Nhà Rông luôn là biểu tượng, niềm tự hào Tây Nguyên và sẽ còn tồn tại lâu dài trong đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.
Các nhà nghiên cứu văn hóa đều thống nhất rằng, mật độ Nhà Rông ở Bắc Tây Nguyên, cụ thể là các dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum là dày đặc nhất, phong phú nhất. Do vậy, để cung cấp thêm tư liệu cho những người quan tâm tham khảo và góp phần phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên, ở bài viết này, tôi xin nêu những đặc điểm tương đồng cũng như sự khác biệt tương đối trong kiến trúc Nhà Rông một số DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Nói đến nhà Rông, có thể mọi người đều hình dung ngay một ngôi nhà làng cao vút, bề thế, với mái nhọn ngạo nghễ chọc thẳng lên trời xanh. Không hẳn thế. Mỗi dân tộc có kiểu Nhà Rông riêng mà những hình ảnh đi kèm bài viết này là minh chứng. Thậm chí, có làng nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ - Triêng) ở vùng sâu của huyện Đăk Glei, Nhà Rông của làng không to hơn cái Nhà lúa (kho lúa) trên rẫy là mấy, chỉ 5 - 10 m2. Ở những nhà Rông này, nó chỉ đảm nhiệm chức năng chính là để thờ cúng, lưu giữ những vật thiêng của làng mà chỉ Chủ làng (xưa) và các Già làng (nay) mới được bước vào hành lễ chứ không diễn ra các hoạt động cộng đồng khác.
Ngoài ngoại lệ như đã nói trên, một điểm chung nhất, Nhà Rông bao giờ cũng là ngôi nhà to, lớn, cao, rộng nhất so với những nhà ở của dân làng để thực hiện công năng của nó, và do điều kiện lịch sử, tự nhiên, ngôi Nhà Rông truyền thống của đồng bào Tây Nguyên đều được làm từ những vật liệu lấy từ rừng: Cột gỗ, rui mè, dây buộc, mái lợp…và được tạo tác qua đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân bằng những công cụ hết sức thô sơ, chủ yếu là cái Rìu!
Nhà Rông Bar Nar Kon Klor, P. Thắng lợi, TP Kon Tum. |
Nhà Rông Bar Nar Kon Jơ Ri, xã Đăk JơWa,TP Kon Tum. |
Nhà Rông to cao, bề thế nhất ở Kon Tum phải kể đến Nhà Rông dân tộc Ba Nar Rơ Ngao (Bar Nar ở thấp) như Nhà Rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum), Nhà Rông Kon Kow Tu, Kon Jơ Ri (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum). Nhà Rông Kon Rơ Ri làm năm 1997 cao đến 16 m, chiều ngang (nhìn chính diện) 12 m, mặt sàn chỗ rộng nhất ở gian giữa là 6,5 m, bóp lại ở hai đầu hồi còn 6m. Phần giáp đỉnh mái tranh có đan liếp bằng tre, hoa văn rất sinh động, vừa để trang trí vừa có tác dụng giữ mái tranh cao vút luôn chịu sức gió lớn thường xuyên. Đáng tiếc, do sự bất cẩn của một người dân, Nhà Rông này đã bị cháy rụi năm 2002. Nhà Rông hiện đang tồn tại trên nền cũ là do dân làm lại năm 2004 sau hỏa hoạn. Nhà Rông làng Kon Gung (Bar Nar Rơ Ngao), xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà xây dựng tháng 02/1999 rộng 6m, ngang 12 m, cao 14 m.
Nhà Rông Bah Bar Rơ Ngao làng Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà |
Nhà Rông Bah Nar Plei Rơ Hai 2, phường Lê Lợi, TP Kon Tum |
Nhà Rông dân tộc Ja Rai ở Kon Tum (Nhà Rông làng Rắc, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy, Nhà Rông làng Jơ Drơp xã Ya Chim, TP Kon Tum…) thường nhỏ hơn về quy mô, kích cỡ so với Nhà Rông Bah Nar (cũng xin lưu ý là số lượng người Ja Rai cư trú ở Kon Tum ít hơn ở Gia Lai nhiều). Nhưng về tổng thể, dáng vẻ bên ngoài Nhà Rông Bah Nar và Ja Rai khá giống nhau, hầu hết có sàn gỗ ở phía trước cửa chính, là nơi thường đặt cối giã lúa, chỗ khách để giày dép, rửa chân trước khi bước vào trong, nhưng Nhà Rông JaRai thường có mái che phần này (Gọi là nhà Chồ) còn Nhà Rông Bah Nar thì không có mái che. Cầu thang lên bằng các cây gỗ đơn độc có chặt thành các bậc, có thể từ hướng chính diện cửa hay từ hai bên hông nhà Chồ.
Dân tộc Bah Nar (nhóm Ji Lâng - Bar Nar ở cao) vùng Kon rẫy lại làm Nhà Rông rất dài theo chiều ngang, còn chiều cao không hơn nhà ở là mấy, tiêu biểu là Nhà Rông làng Cheo Leo, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy dài 25m nhưng chỉ cao 8m.Tương tự, Nhà Rông của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Tơ Đrá) làng Kon Keng, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy cũng có chiều dài 20m, rộng 6m nhưng chiều cao cũng chỉ 8m.Hai dân tộc, nhưng có lối làm Nhà Rông khá giống nhau, bởi khu vực cư trú của họ gần nhau, sự ảnh hưởng lẫn nhau về kiểu dáng, kiến trúc Nhà Rông âu cũng là điều dễ hiểu.
Nhà Rông Xơ Đăng TơDrá làng Kon Keng, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy. |
Nhà Rông Bah Nar Ji Lâng làng Cheo Leo, thị trấn huyện Kon Rẫy. |
Độ cao gầm sàn của Nhà Rông Bah Nar, Ja Rai là cao nhất, thường từ 1,6 đến 2,2m, còn đối với dân tộc Xơ Đăng huyện Đăk Tô, dân tộc Jẻ - Triêng huyện Đăk Glei, Bah Nar Ji Lâng huyện Kon Rẫy, sàn Nhà Rông luôn chỉ cao hơn mặt đất 0,5 - 0,8m.
Vách và sàn Nhà Rông truyền thống đều đan bằng tre, hoặc ken các thân tre bổ đôi liền sát nhau (sau này nhiều Nhà Rông thay thế bằng ván gỗ). Nhà Rông Bah Nar, JaRai vách kín lên giáp mái, bên trong không nhìn ra ngoài được, còn nhà Rông Jẻ - Triêng vách chỉ cao tầm 0.8 - 1m theo kiểu thượng thách hạ thu và có khoảng trống với mái nhà, người đứng bên trong nhìn được ra bên ngoài qua vách nhà.
Nhà Rông JaRai Aráp làng Kleng, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy). |
Nhà Rông JaRai Plei Sar, xã Ia Chiêm, TP.Kon Tum có nhà Chồ phía trước. |
Mái Nhà Rông được lợp bằng tranh, có những Nhà Rông các tấm tranh được đan rất cầu kỳ, nhìn từ bên trong lên rất đẹp, không đơn thuần chỉ là các tấm tranh xếp lớp lên nhau (nay đã có nhiều Nhà Rông thay thế bằng tấm lợp khác, nhưng đây là nội dung sẽ bàn trong bài viết khác).Mái nhà Rông đều là 4 mái, gồm hai mái chính và hai mái đầu hồi (trừ Nhà Rông nhóm Jẻ dân tộc Jẻ - Triêng là loại một mái tròn, uốn cong theo hình quả trứng - Ô van).
Bếp lửa là điều không thể thiếu trong Nhà Rông, dù là bất cứ dân tộc nào. Thường bố trí 2 hoặc 4 bếp cân đối ở hai gian đầu Nhà Rông (chia ra chủ - khách, nam – nữ). Bếp là các khung vuông bằng gỗ, trong đổ đất để không gây cháy sàn nhà.Nhà Rông nhóm Bah Nar Ji Lâng vùng Kon Rẫy thường có một dãy cột chạy dọc chính giữa Nhà Rông, dùng để cột các ghè rượu và có giỏ để đồ ăn của các gia đình mang lên chung vui trong dịp lễ hội. Các dân tộc khác thì để ghè rượu bám theo bốn vách Nhà Rông để chủ làng (già làng) mời khách lần lượt đi vòng tròn thưởng thức rượu của mọi nhà.
Cửa chính của Nhà Rông luôn quay về hướng Đông, trừ trường hợp bất khả dĩ do thế đất (nhà Rông Đăk Wâk, huyện Đăk Glei hướng Bắc). Riêng Nhà Rông nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ - Triêng) cửa lại được mở ở hai đầu hồi, đây là điều riêng biệt của Nhà Rông nhóm dân tộc này.
Nhà Rông Xơ Đăng (Hà Lăng) làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy). |
Nhà Rông Xơ Đăng Xơ Teng, làng Đăk Chờ xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô. |
Trong nhà Rông nào cũng có Nơi Thiêng lưu giữ những vật thiêng là thần bản mệnh của làng, lưu giữ những sừng trâu, thú rừng, những bảo vật sở hữu chung của làng (chiêng, trống).
Trang trí trên các cột gỗ, xà Nhà Rông thì phải nói Nhà Rông dân tộc Jẻ - Triêng là phong phú và sinh động nhất.
Nhà Rông Xơ Đăng Ka Dong vùng Sa Thầy và Xơ Đăng Xơ Teng một số vùng của huyện Đăk Tô lại tương tự, còn một số nơi lại có sự giao thoa với Nhà Rông dân tộc J ẻ - Triêng thuộc huyện Đăk Glei.
Nhà Rông Xơ Đăng (Xơ Teng) làng Đăk Jô Gia xã Đăk Trâm, huyện Đăk Tô |
Nhà Rông làng Long Năng (nhóm Triêng)xã Đăk Pét huyện Đăk Glei |
Tuy nhiên, Nhà Rông cùng của dân tộc Xơ Đăng ở hai xã Đăk Sao, Đăk Na của huyện Tu Mơ Rông lại cũng khác nhau, cái thì có nhà Chồ lợp mái phía trước (tương tự nhà Rông Ja Rai), cái chỉ có sàn phía trước cửa chính bằng những tấm ván bắc ngang, từ thấp đến cao dần về phía sát cửa (xem ảnh minh họa trong bài). Dáng vẻ bên ngoài Nhà Rông dân tộc Xơ Đăng một số làng vùng Đăk Tô lại khá giống Nhà Rông nhóm Triêng (dân tộc Jẻ - Triêng). Điều này chỉ có thể giải thích bằng sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc và tính ngẫu hứng của người chỉ đạo làm Nhà Rông (việc làm Nhà Rông do các bậc trưởng lão trong làng chỉ huy, hoàn toàn theo tri thức dân gian chứ không có bản vẽ thiết kế nào). Tôi nhấn mạnh tính ngẫu hứng trong việc thiết kế, xây dựng Nhà Rông, bởi xem hình tư liệu chúng tôi chụp được về Nhà Rông dân tộc Xơ Đăng làng Đăk Mốt, thị trấn PleiKần thì hoàn toàn “lạ”, có một không hai, chưa từng thấy ở dân tộc nào. Ngôi nhà gần như hình vuông, bốn mái đều nhau theo theo kiểu nhọn, cao vút có lẽ là do ảnh hưởng kiến trúc chùa chiền Lào? Tiếc rằng, Nhà Rông này nay không còn nữa, bởi nếu còn, nó sẽ góp phần làm phong phú thêm về kiểu dáng Nhà Rông Tây Nguyên. Khi xây dựng Nhà Rông mới năm 2006, cũng ở chính địa điểm Nhà Rông cũ, người ta đã thay thế bằng ngôi Nhà Rông theo mô – tip chung của Nhà Rông dân tộc Xơ Đăng.
Nhà Rông ở xã Đăk Sao |
Nhà Rông ở xã Đăk Na |
Cùng là dân tộc Xơ Đăng, nhưng Nhà Rông ở xã Đăk Sao (bên trên) và xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông lại có kiểu dáng bên ngoài hoàn toàn khác nhau.
Nhà Rông nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ - Triêng) vùng Đăk Dục (các làng Dục Nhày, Nông Nội, Chả Nội, Đăk Răng…huyện Ngọc Hồi) và làng Nú Vai xã Đăk KRoong, làng Măng Lon xã Đăk Môn của huyện Đăk GLei lại có hình Ô – van, tương tự Nhà Rông (Nhà Gươl) dân tộc Cơ Ho, Kà Tu ở các huyện Tây Quảng Nam. Điển hình là Nhà Rông làng Đăk Tum nhóm Jẻ (dân tộc Jẻ – Triêng) xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei cũng hình Ô-van, rộng 6,6m, dài 8,75m, cao 8 m, trổ cửa lên xuống ở hai đầu, hai bên hông mỗi bên có 2 cửa sổ. Nhà Rông làng Đăk Wâk xã Đăk Kroong, nhóm Triêng (dân tộc Jẻ - Triêng) rất đẹp, có dáng vẻ bề thế, vững chãi nhưng rất mềm mại, Nhà Rông này có bề rộng 7m, ngang 14 m, cao 12 m, khá gần gũi với Nhà Rông Xơ Đăng.
Nhà Rông Jẻ-Triêng (nhóm Triêng) làng Đăk Wâk, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei |
Nhà Rông Xơ Đăng làng Đăk Mốt, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi năm 1994 |
Như vậy, xin lưu ý, đối với dân tộc Jẻ - Triêng, Nhà Rông của nhóm Jẻ khác hẳn nhóm Triêng. Nhà Rông nhóm Jẻ có nét tương đồng với Nhà Gươl của người Kơ Tu, còn Nhà Rông nhóm Triêng gần gũi với kiểu dáng Nhà Rông Xơ Đăng.
Nhà Rông Jẻ-Triêng (nhóm Jẻ) làng Đăk Tum, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei. |
Nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu tỉnh Quảng Nam |
Dân tộc Kơ Tu cư trú nhiều ở các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam (Nam giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức…) tiếp giáp địa vực cư trú của người Jẻ - Triêng thuộc tỉnh Kon Tum, nên dáng dấp bên ngoài của Nhà Rông khá giống nhau, đó là hệ quả của giao thoa văn hóa, tiếp thu và học hỏi lẫn nhau. Nhà Rông, tiếng Jẻ - Triêng là Ưng hoặc Nhia String, còn người Kơ Tu goi là Gươl. Đó cùng là kiểu một mái tròn (uốn cong theo hình Ô-van). Có khác chăng là ở độ cao của Nhà Gươl Kơ Tu thường cao hơn và hầu hết cửa được trổ ở phía trước chứ không trổ ở hai đầu hồi.
Trong khuôn khổ một bài viết, không thể chi tiết và tường tận hết được. Đây chỉ là ghi chép, nhìn nhận của tác giả, người đã trực tiếp tham gia công trình khảo cứu toàn diện về Nhà Rông Kon Tum do Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kon Tum thực hiện những năm 1999 - 2002. Hy vọng rằng nó có ý nghĩa với những người yêu quý và trân trọng một di sản văn hóa qúy báu, độc đáo của Tây Nguyên./.
Nguồn: Báo Kon Tum