Văn hóa lễ hội ở Kon Tum, những điều cơ bản

 Lễ hội của các tộc người ở Kon Tum có dáng vẻ riêng mang tính khu vực. Lễ hội cộng đồng được sản sinh trong điều kiện, hoàn cảnh sống, lao động sản xuất gắn liền với núi rừng mênh mông vô tận; chính từ đó nó chứa đựng một sắc thái văn hóa riêng - văn hóa lấy con người làm chủ, lấy đất trời làm khuôn mẫu, văn hóa ấy là sự hài hòa của nắng mưa, của núi rừng và nương rẫy. Lễ hội dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Kon Tum đều là những lễ hội mang tính qui mô nhỏ, được thể hiện trong phạm vi một gia đình, nhóm gia đình, cao nhất là một cộng đồng làng.

Văn hóa lễ hội ở Kon Tum
Văn hóa lễ hội ở Kon Tum


Xuất phát từ cách thức canh tác nông nghiệp khô (lúa rẫy - phát, đốt, chọc, tỉa) con người luôn gắn với thiên nhiên, bị thiên nhiên chi phối. Do đó, ở mỗi thời điểm nhất định, hoạt động sản xuất hoàn toàn dựa vào sự ban phát, may rủi của thiên nhiên và cũng từ đấy xuất hiện yếu tố mùa vụ. Vậy thì giữa hai mùa sẽ có khoảng thời gian này, con người chuẩn bị tinh thần vật chất cho vụ tới và luôn cầu mong cho mưa thuận, gió hòa.

Nhưng do vốn tri thức còn hạn chế, con người chưa hiểu được quy luật của tự nhiên, chưa giải thích được các hiện tượng như sấm, chớp, mưa, nắng… họ gán cho nó một sức mạnh siêu nhiên (Giàng) và con người bất lực trước uy lực của Giàng. Họ cam chịu và cầu xin sự ban phát (tín ngưỡng nguyên thủy - đa thần).

Xuất phát từ các yếu tố mùa vụ và tín ngưỡng đa thần, con người luôn tổ chức các nghi lễ cầu xin Giàng trợ giúp và mang lại điều tốt lành cho con người, cộng đồng. Trong quá trình này, người ta tiến hành các nghi thức tế, lễ theo quan niệm, cách thức riêng của từng tộc người, nhưng mang một ý niệm chung về dâng lễ (lễ vật) hay hình thức trao đổi (hiến sinh). Các tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung vật hiến sinh thường là trâu, bò, heo, dê, gà… hình thức này mạnh mẽ và ấn tượng nhất qua hành động đâm trâu trong lễ hội. Qua đó, con người cảm thấy như đã yên tâm ở sự trao đổi, được siêu thoát khỏi những ám ảnh cá nhân, được chứng giám lòng thành của bản thân bằng quan niệm của sự tín ngưỡng mang tính huyền bí, đời sống tâm linh, tinh thần được cởi mở trút bỏ những nỗi ám ảnh, họ hứng khởi, thăng hoa, vui chơi nhảy múa tạo ra không khí của lễ hội.

Lễ hội của các tộc người ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung là lễ hội nguyên hợp, bao giờ cũng xuất phát từ yếu tố thiêng - nghi thức tế lễ, hiến sinh để mong đổi lại sự bình yên và no đủ. Khi các hành động đó cảm thấy được chứng giám thì ở mỗi con người như được cởi mở, thăng hoa. Sự thăng hoa đó được cộng cảm tạo thành không khí của lễ hội. Như vậy hội là hệ quả của lễ. Không có lễ thì không có hội, nhưng không phải lễ nào cũng thành hội. Có lễ chỉ là lễ, chỉ khi nào lễ tạo được niềm hứng khởi, náo nức, lan tỏa khắp các thành viên của cộng đồng, tâm trạng đó phải quy tụ thành niềm vui chung cần được giải tỏa thông qua các hành động biểu cảm. Không gian, tâm trạng của lễ nhanh chóng nhường chỗ cho hội. Đây là nguồn gốc của lễ hội.

Hệ thống lễ hội của các dân tộc ở Kon Tum chia làm ba đường dây chính bao gồm : Thứ nhất là hệ thống lễ hội xung quanh vòng đời người với quan niệm con người từ khi sinh ra đến khi xuống mồ phải trải qua một quá trình của mối quan hệ ứng xử, mối quan hệ cá nhân với cá nhân; cá nhân với cộng đồng; cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên (Giàng). Trong khi điều kiện sinh tồn của con người còn muôn vàn khó khăn, phải đối mặt với đói nghèo, bệnh tật, thú dữ, chết chóc… Do đó vòng đời người cũng gắn liền với cả một hệ thống lễ hội tương ứng trong mỗi thời kỳ và tình huống cụ thể.

Một số lễ hội điển hình về chu kỳ vòng đời người của đồng bào các dân tộc thiểu số Kon Tum được thể hiện như Lễ cưới: xem xét từ lễ thức hôn nhân - công việc hệ trọng của mỗi cá nhân, yếu tố cơ bản, tiền đề sản sinh ra con người. Hôn nhân được gia đình và cộng đồng dành cho một sự quan tâm đặc biệt, từ nghi thức, nghi lễ, các điều kiện vật chất và tinh thần phong phú, sắc thái tình cảm đặc biệt, mối quan hệ ứng xử đa chiều… trong không gian văn hóa cộng đồng.

Lễ thổi tai thì lại bao hàm nhiều ý nghĩa bởi kết quả của hôn nhân là những đứa con của gia đình - thành viên mới của cộng đồng. Đi kèm với nó là những lễ thức tương ứng. Từ lễ cầu đẻ thuận, lễ đặt tên, đặc biệt là lễ thổi tai; chưa làm lễ thổi tai thì chưa được coi là thành viên chính thức của cộng đồng. Khi đứa trẻ được khoảng 3-4 tuổi, gia đình và cộng đồng tổ chức lể thổi tai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình tổ chức ở quy mô to, nhỏ khác nhau, điều kiện đó không quan trọng. Điều cốt yếu và có ý nghĩa nhân văn nhất là trong cuộc lễ, già làng, cha mẹ và mọi người nói vào tai (thổi) đứa trẻ luồng sinh khí - những điều tốt đẹp nhất, mang ý nghĩa của sự định hướng, chỉ bảo, dặn dò, cầu mong đứa trẻ lớn lên trở thành người con ngoan của gia đình và xã hội. Và cũng từ đây, đứa trẻ được công nhận là một thành viên chính thức của cộng đồng.

Lễ cúng đau ốm: Trong hoàn cảnh sống hiện tại của người dân ở Tây Nguyên nói chung và ở Kon Tum nói riêng còn rất nhiều khó khăn về điều kiện vật chất, sinh hoạt, môi trường, khí hậu khắc nghiệt…; hơn nữa, kiến thức về y học rất hạn chế, người ta không biết được nguyên nhân hoặc loại bệnh mắc phải. Họ cho rằng người đau ốm là do ma rừng, ma suối bắt hồn; do đó, chỉ có cách làm lễ cúng cầu mong được trợ giúp. Khi đó, thầy cúng được mời tới và tiến hành nghi lễ. Lễ vật dùng cho tất cả nghi lễ này là rượu và gà. Qua nghi lễ, ý nguyện là cầu mong Giàng trả lại hồn cho người ốm để chóng khỏi bệnh, nếu cúng không khỏi thì người ta cúng tiếp và dùng lễ vật lớn hơn như heo, bò, trâu…

Hiện nay, đã có trạm xá và có thầy thuốc thường trực, đồng bào đã đưa người bệnh đến trạm y tế để chạy chữa; song, vừa chạy chữa tại bệnh xá vẫn có cúng bái theo nghi thức dân gian; đây là cách để trấn an, trợ giúp tinh thần của  người bệnh và gia đình.

Lễ tang:Tín ngưỡng nguyên thủy của một số dân tộc ít người ở Kon Tum cho rằng con người chết không phải là hết, chết chỉ là sự chuyển chỗ về với ông bà và tiếp tục tái sinh ở kiếp khác (luân hồi). Do vậy, lễ tang chỉ là một cuộc tiễn đưa đầy lưu luyến giữa người đi kẻ ở.

Khi gia đình có người chết, người nhà nổi chiêng, trống báo hiệu cho toàn thể cộng đồng biết để đến cùng gia đình lo làm ma. Người chết được thay áo, váy, khố mới, được đưa ra khỏi nhà và đặt trong nhà tang. Ngôi nhà vừa được cả cộng đồng cùng làm cho ma bằng tranh, tre, nứa gọi là nhà mồ. Người chết được đặt vào quan tài làm bằng một thân gỗ to, khoét rỗng và đậy nắp rồi buộc chặt lại, sau đó dùng đất sét trét kín những khe hở.

Lúc này, mọi người mang đến ruợu, heo, gà cùng nhà chủ là bữa ăn cộng đồng chia tay với người chết. Toàn thể cộng đồng ăn uống, nhảy múa, đánh cồng chiêng liên tục cả ngày xung quanh nhà ma. Đến ngày thứ 3 (có khi 4-5 ngày), người ta mới đem đi chôn tại nghĩa địa của làng. Người chết được chia của bằng người sống vì họ cho rằng đến nơi ở mới cần những đồ dùng, phương tiện để tiếp tục sinh hoạt và lao động. Tài sản được chia gồm : Chiêng, ché, gùi, rìu… nhưng tất cả các thứ này đều được làm vỡ hay bẻ gãy, bởi theo quan niệm của họ, thế giới ma là thế giới lộn ngược với thế giới của người sống - xấu là tốt, vỡ là lành, ngày là đêm…

Tiếp đến là Hệ thống lễ hội liên quan đến quá trình sinh trưởng của cây trồng, cũng như vòng đời người, cây trồng cũng có cả một quá trình sinh trưởng từ khi chọn đất, gieo hạt, đơm bông, kết trái và thu hoạch. Những lễ thức cũng cận kề trong suốt quá trình gieo trồng này của người dân, hòng cầu mong cho cây cối tươi tốt, không sâu bệnh, được mùa cho đời sống no đủ.

Bắt đầu từ lễ chọn đất; lễ phát rẫy; lễ tỉa lúa; lễ cúng lúa mới; lễ thu hoạch lúa; lễ mở cửa kho lúa… Trong hệ thống các lễ thức này, từ chọn đất đến thu hoạch lúa, quy mô thường nhỏ, lẻ ở phạm vi gia đình; còn lễ hội cúng lúa mới và lễ mở cửa kho lúa là lễ hội lớn của cộng đồng. Đây là nghi thức đánh dấu sự kết thúc của một chu trình sản xuất nông nghiệp, đồng thời cũng là sự mong muốn, chuẩn bị các điều kiện, phương tiện và tinh thần cho công việc sản xuất của mùa sau. Chính vì lẽ đó nên cộng đồng dành cho lễ hội này sự quan tâm đặc biệt. Ở đó tập trung, chứa đựng, chuyên chở những giá trị văn hóa đặc sắc - văn hóa tâm linh, văn hóa xã hội, văn hóa nghệ thuật và những khuôn mẫu ứng xử xã hội - cộng đồng sâu sắc.

Cuối cùng là hệ thống Lễ hội liên quan đến sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, đối với các tộc người ở Kon Tum, cộng đồng Plei (làng) có một vị trí vô cùng quan trọng - gắn kết chặt chẽ, chi phối toàn bộ mọi mặt đời sống của con người. Mọi thành viên có trách nhiệm với cộng đồng và ngược lại cộng đồng chi phối mọi mặt đời sống của mỗi cá nhân riêng lẻ. Cá nhân bị đuổi khỏi cộng đồng là một hình phạt cao nhất - nặng hơn cái chết. Chính điều đó giải thích tại sao lễ hội cộng đồng là những lễ thức đặc biệt quan trọng.

Lễ hội cộng đồng chỉ được tổ chức khi có những sự kiện, những biến động to lớn ảnh hưởng đến sự hưng vong của cả cộng đồng như : Lễ hội mừng chiến thắng, lễ hội cúng bến nước, lế hội mừng nước giọt, lễ hội mừng nhà rông mới … những lễ hội này thường có tục lệ dâng vật hiến sinh như đâm trâu, dê, heo, gà; các dân tộc thiểu số đều có lễ kiêng làng, nghi lễ này được tổ chức khi có cháy nhà, bệnh dịch lớn làm chết nhiều người và gia súc, bị sét đánh, có người chết sông chết suối, tai nạn... Khi đó người ta rào làng - nội bất xuất, ngoại bất nhập. Trước lễ người ta tắt hết lửa cũ trong bếp của các gia đình và để cộng đồng chuẩn bị mọi điều kiện cho lễ hội.

Kon Tum có nhiều thành phần dân tộc sinh sống (6 dân tộc bản địa); mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa đặc thù riêng; tuy nhiên, trong cái riêng đó nhiều nét tương đồng của sắc thái văn hóa vùng mà lễ hội dân gian là không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tồn tại cùng với không gian và thời gian, nó cố kết cộng đồng, tồn tại và phát triển trong một điều kiện địa lý - xã hội còn nhiều khó khăn thách thức. Lễ hội bao trùm rất nhiều loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số như hệ thống các lễ thức, nghệ thuật diễn xướng dân gian, trang phục, nhạc cụ dân tộc, rượu cần, cây nêu, hoa văn họa tiết…và quan trọng nhất là sự cấu kết cả cộng đồng thông qua sinh hoạt lễ hội. Bởi vậy bảo tồn những lễ hội của các dân tộc thiểu số trên cơ sở khai thác, phát huy và kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố lạc hậu để lễ hội thực sự là một không gian văn hóa cộng đồng trở thành một yêu cầu có tính cấp thiết trên địa bàn tỉnh.

Trần Vĩnh.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo