Nhà Rông – Di sản văn hóa đặc trưng của Người Kon Tum

 Khi nói về bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, đầu tiên bao giờ người ta cũng đề cập nhà Rông như là một biểu tượng đầy đủ nhất của văn hóa vùng Tây Nguyên. Trong các tỉnh Tây Nguyên thì Kon Tum và Gia Lai được xem là cái nôi của nhà Rông – một di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc bản địa.

 

Nhà Rông – Di sản văn hóa đặc trưng của Người Kon Tum
Nhà Rông – Di sản văn hóa đặc trưng của Người Kon Tum

Theo tâm niệm của đồng bào các dân tộc thiểu số, đã có làng là phải có nhà Rông. Làng nào không có nhà Rông thì làng đó thiếu sức sống cội nguồn. Theo tư duy truyền thống của đồng bào các dân tộc thì nhà Rông là một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng (văn hóa làng). Nhà Rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự cố kết cộng đồng người gắn với thiên nhiên

Nhà Rông là hình ảnh thu nhỏ của các thành tố văn hóa truyền thống của một làng, một tộc người. Nó chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số thì “Dân tộc – Làng – Nhà Rông” là mối quan hệ không thể tách rời, cũng như làng của người Kinh gắn với cây đa, bến nước, sân đình. Nhà Rông hùng vĩ vươn lên bầu trời với hình dáng như một lưỡi búa khổng lồ biểu hiện sức mạnh của một cộng đồng làng, thể hiện tinh thần thượng võ, đầy uy quyền, như là chế ngự không gian và thời gian để khẳng định chủ quyền, lãnh địa của làng.

Về kiến trúc thì nhà Rông của mỗi dân tộc có sự khác nhau, theo tập quán của từng dân tộc, nhưng nếu nói về quy mô to cao thì phải kể đến nhà Rông của dân tộc Ba Na, Gia Rai và Xê Đăng. Có một điểm khá lạ qua thực tiễn là nếu tính từ vị trí ở thị xã Kon Tum ngược lên các địa phương phía Bắc thì nhà Rông lại thấp dần. Có lẽ xuất phát từ văn hóa cư trú từ vùng thấp đến vùng cao.

Mỗi dân tộc lại có tập quán làm cửa lên nhà Rông khác nhau, thường thì có từ 2 – 4 cửa gồm phía trước, sau và hai bên. Cầu thang chính lên nhà Rông có cột và tay vịn được trang trí theo kiểu chạm khắc gỗ tạo nhiều hình tượng dân gian với đường nét thô ráp khỏe khoắn. Trên sàn nhà Rông phải có bếp lửa, bếp ở đây không có giàn bếp ở trên như ở hộ gia đình, ít nhất cũng phải có 1 bếp, thường là có 2 bếp, có nhà Rông có 3 – 4 bếp lửa để buổi tối bà con đốt lửa tổ chức những sinh hoạt văn hóa cộng đồng như tiến hành các nghi lễ, luật tục truyền thống, đánh cồng chiêng, hát kể sử thi, truyện cổ dân gian, đàn hát dân ca đối đáp, nhảy múa... Nhà Rông là nơi thanh niên trai tráng đến tuổi trưởng thành của làng đến ngủ hàng đêm để giữ làng, cũng là nơi phục vụ cho khách đến thăm làng; Bởi vậy, hai bên đều có giàn để chăn chiếu rất gọn gàng và ngăn nắp. Trang trí bên trong nhà Rông chủ yếu là các loại hoa văn tùy theo từng dân tộc thể hiện trên cột, kèo và vách... Mỗi nhà Rông đều có góc thiêng để vật thiêng có ý nghĩa tâm linh theo tín ngưỡng dân gian, theo tập quán từng dân tộc; Đồ vật bên trong được bày biện và bố trí như là phòng triển lãm của làng, đầu trâu và các con vật hiến sinh trong các lễ hội, các con vật săn bắn được treo trên vách.

Làng – nhà Rông – lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Văn hóa làng sản sinh ra văn hóa lễ hội và văn hóa nhà Rông, lễ hội dân gian truyền thống tôn vinh quyền uy của nhà Rông còn nhà Rông lại là điều kiện và môi trường để thể hiện lễ hội. Cả hai đều có ý nghĩa duy trì lẫn nhau và nằm trong nhau. Trong khi đó thì lễ hội là đất sống của gần như tất cả các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian cổ truyền từ các lễ thức, phong tục, tập quán đến các loại hình diễn xướng dân gian, nhạc cụ dân tộc, trang phục, ngôn ngữ, ứng xử... bởi thế nên nhà Rông lại càng có vị trí hết sức quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nhà Rông vừa có giá trị văn hóa vật thể (hữu hình), lại vừa có giá trị văn hóa phi vật thể (nội dung bên trong, nơi thể hiện lễ hội). Những hình ảnh bếp lửa nhà Rông bập bùng, những ghè rượu cần cột thành dãy hai bên bếp, âm thanh trầm hùng của cồng chiêng, những vòng xoang uốn lượn và gương mặt rạng rỡ của các già làng, các chàng trai cô gái trong lễ hội ở nhà Rông thể hiện một không gian văn hóa hết sức mộc mạc, đầm ấm, quây quần trong sự cố kết cộng đồng không thể tách rời làm nên bản sắc phong phú, độc đáo của văn hóa truyền thống dưới mái nhà Rông.

Trần Vĩnh

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo