Người Kon Tum tính cách "Nơi dòng sông chảy ngược”

 Các nền văn minh trên thế giới hầu như đều hình thành bên dòng sông: văn minh Trung Quốc cổ đại bên dòng sông Hoàng Hà, văn minh ấn Độ cổ đại bên dòng sông Hằng, văn minh Ai Cập cổ đại bên dòng sông Nile mải miết...

Các nền văn minh châu Âu xanh màu sông Volga và Danube, văn minh Nam Mỹ vỗ về lưu vực sông Amazon và nền văn minh sông Hồng với 4000 năm lịch sử của nước Việt thân thương. Mọi con sông đều hoà biển cả! Sông nước Việt xuôi về biển Đông. Trong tôi đang chảy một dòng sông về biển Đông ngược lối, và một "nền văn hóa" đang thành hình bên dòng sông ấy: "nền văn hóa bản địa Kon Tum" ôm ấp dòng Đăk Bla bao đời nhẫn nại.

Chế Lan Viên viết: "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở; khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn". Với tôi, miền đất này đã là máu, là thịt ngay từ ngày dấu chân còn in lối rừng thuở 26 năm trước và trăng đại ngàn của Tây Trường Sơn đã chiếu rọi tâm hồn từ đó. Đất đã là linh hồn từ thuở ban đầu ấy rồi!

Ngày học phổ thông trung học, tôi miên man mỗi chiều trên bãi cát sông Đăk Bla phía xứ Phương Hòa. Tôi chờ trăng lên để uống những giọt vàng sóng sánh, để nghe "ma Hời" rên rỉ đâu đó, bởi đây đã từng là vùng đệm chiến tranh của hai nước Chiêm Thành và Chân Lạp từ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII sau Công nguyên và sau đó, 300 năm Kon Tum thuộc về Chiêm Thành. Tôi thân quen với những tên trìu mến nghe ngọt lịm từ tiếng gọi đầu như Tân Hương (có từ năm 1874), Phương Quý (1887), Phương Nghĩa (1887), Phương Hòa (1892), Trung Lương (1914)... Tình cảm ấy giống thứ tình sau này tôi dành cho Huế - nơi tôi "ở đậu" hơn hai năm - nào An Cựu, An Hoà, nào Nông, nào Truồi; tôi bảo với bạn tôi: "Địa danh Kon Tum tình tứ thật!".

Người Kon Tum tính cách "Nơi dòng sông chảy ngược”
Người Kon Tum tính cách "Nơi dòng sông chảy ngược”


Từ thuở hồng hoang, vùng đất này đã chuộng hòa bình. Chuyện kể rằng, hai người con trai Bahnar là Jơ Rông và Uông chán cảnh dân làng đánh nhau với các làng bên đã bỏ làng cũ, đến vùng đất trũng cạnh hồ nước dựng nhà ở. Đất lành chim đậu, dần dà nơI này nên Kon Tum, tiếng Bahnar nghĩa là Làng Hồ từ những năm 1800.

Kon Tum mình chân chất lắm! Đất yên ả giữa núi vòng thấp thoáng, độ cao so với mặt nước biển là khoảng 525 mét, nắng mưa hai mùa rõ rệt và phần lớn diện tích nằm trọn phía Tây Trường Sơn cho nên sông mới chảy xuôi nhưng mà tưởng chừng như ngược. Hai quốc lộ trườn mãi mới về đến xuôi ở hướng Đông - Bắc và Bắc. Sông hiền hòa, len lỏi và ôm viền thành phố. Đăk Bla đi một mình chỉ khoảng 100km thôi, từ địa phận huyện Kon Plong phía Tây tỉnh Kon Tum về thành phố, lượn lờ sang Tây - Nam hợp với con sông Kroong Pô Kô từ hướng Bắc xuống thành dòng Sê San hùng vĩ tạo nên thủy điện Ya Ly, sang Campuchia "làm dâu" rồi mới hòa với dòng Mekong để về lại mẹ hiền biển Đông. Bờ Bắc là thị xã êm đềm, thấp thoáng làng người bản địa Bahnar như làng Kon Mơ Nây Kon Tu, Kon Mơ Nây Sơ Lam, Kon Klor, Kon Tum Kơpâng, Kon Tum Kơnâm, Kon Hra Chót dọc theo sông và hồn nhiên giữa lòng thành phố là các làng như Kon Rơ Bàng, Ple Tơ Ngia. Bờ Nam xanh rì bãi mía, chấp chới phía sau màu hy vọng ấy là làng thắm Phương Hòa của người Kinh và làng Đăk Rơ Wa, Plei Groi của người Bahnar. Tôi bảo với những người bạn Huế: "Kon Tum có thế đất và nếp sống na ná cố đô. Đất thần kinh có dòng Hương thơ mộng và man mác thì Kon Tum có dòng Đăk Bla mộc mạc và trầm tư". Khi bạn tôi lên Kon Tum, họ cười và dường như hiểu nỗi lòng tôi với miền đất trũng.

Giọng Kon Tum khá đặc trưng. Đó không phải là chất giọng xứ Quảng ngang bè, giọng Bình Định mềm đục (đây là hai vùng quê gốc của dân Kon Tum), giọng Huế trĩu tình mà là giọng trong vắt và mượt như dòng Đăk Bla. Với tôi, chỉ nghe em cũng đã nhận ra chất Kon Tum ngàn năm kiến tạo. Ôi! Sự hợp hoan của đất, của nước, của trời và của bao miền hội tụ nơi đây để nên giọng em mới ngọt ngào làm sao. Không biết những cuộc di dân xưa ảnh hưởng sao đến khí chất người Kon Tum, nhất là người con gái. Em mặn mà, em nhỏ nhẹ, em nhẫn nại như dòng sông chảy ngược. Em con dòng tổ nào trong những dòng người âm thầm xé rừng lên Kon Tum để yêu vùng đất trũng. Tôi như nghe những bước chân xưa của ba đợt xé rừng lịch sử, đó là những năm đời vua Thiệu Trị, vì lánh nạn bài Thiên Chúa giáo mà các giáo dân theo nhà truyền đạo đặt dấu chân Kinh đầu tiên tại Kon Tum; rồi cuộc di dân khổ sai thời Pháp thuộc và sau đó mười lăm năm là cuộc di dân cưỡng cư từ Bắc vào bởi hiệp định Genève. Thuở 1883, Kon Tum chỉ có 1500 dân với một tổng Tân Hương và các làng người Bahnar, Rơngao phụ cận; đến 2005, thành phố Kon Tum được 120.000 người với khoảng 35.000 người Kinh đạo Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Dẫu em con dòng tổ nào tôi cũng biết ơn bởi dòng máu chảy trong em hiền hòa và nhẫn nại để lòng tôi mát khi nghe bạn mình bảo :"Các cô nàng xứ núi hớp hồn ta!".

Trong tôi, mọi dòng sông luôn tuôn chảy. Mỗi con sông của Việt Nam đều e ấp hồn thơ nhưng vẫn chảy âm thầm trong tôi dòng Đăk Bla "ngược lối". Ôi! Đăk Bla của em và của tôi! Nơi ấy, em tắm tuổi thơ! Nơi ấy, mẹ gội cho từng đứa! Em giã biệt dòng sông Côn thét gào mùa lũ, tôi xa dòng Trà khát vọng trăng non. Ta nắm tay nhau lội dọc bãi bồi dòng chảy ngược, ta hẹn trăng ngàn bên cầu treo Kon Klor. Cảm ơn em! Cảm ơn miền đất trũng

Mai này, dẫu biệt Đăk Bla và trăng đại ngàn, vẫn sáng trong tôi màu trời cũ, nơi ấy vẫn còn người kể chuyện cổ "Kinh và Bahnar là anh em" của từ ngày xưa; và, da diết hơn, nơi ấy có em nhẫn nại như người đi mở cõi hôm nao và dịu hiền như dòng sông chảy ngược. Dẫu dòng ngược nhưng sông vẫn chảy; nền văn hóa bản địa có lẽ bắt đầu từ đây. Mai này tôi hy vọng có một cụm từ mới trong từ điển nhân văn học Việt Nam, cụm từ: “tính cách người Kon Tum”.

                                                                Đào Duy An

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo