Chuyện xưa kể, ở làng Kon Trang (làng nhiều bông lau) vùng Đăk Ui, có đôi nam nữ yêu nhau, trót làm điều sai trái, bị làng quở phạt. Họ xấu hổ, rủ nhau đến vùng đất bằng phẳng, gần suối khe, cây cối xanh tốt để sinh sống, lập làng. Làng ấy được đặt tên là Kon Trang Long Loi. Kon Trang mang tên làng cũ, còn Long Loi, chính xác là “Lơng loi”, tiếng Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) nghĩa là tốt hơn, đẹp hơn. Tên làng cũng là ý nguyện của người xưa, mong làng mới có cuộc sống tốt đẹp hơn nơi ở cũ.
Nghệ nhân A Thuih (ngoài cùng bên trái), nghệ nhân Y Nhuih (ngoài cùng bên phải). |
Khởi đầu lập làng không mấy tốt đẹp, nhưng trải qua bao năm vất vả, nhọc nhằn, các thế hệ dân làng Kon Trang Long Loi đã đoàn kết một lòng, chung tay góp sức vượt qua khó khăn, gian khổ, xây dựng cuộc sống no ấm, yên vui. Đặc biệt, là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, nhiều lớp nghệ nhân đã được sinh ra và trưởng thành từ nơi đây. Lớp người sau tiếp nối lớp người trước, chuyên chăm luyện tập, học hỏi, để nét đẹp văn hóa không ngừng được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Cồng chiêng, đàn, trống, dân ca…đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
Năm 2015, trong đợt đầu tiên nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Kon Trang Long Loi đã có 4 nghệ nhân được nhận vinh dự này. Vinh dự trước tiên, phải kể đến nghệ nhân ưu tú A Thiuh, sinh năm 1930, hiện là một trong số ít nghệ nhân cao niên nhất của huyện Đăk Hà và tỉnh Kon Tum.Tuổi già, sức yếu, mấy năm gần đây, già A Thiuh không còn đi lại được, nhưng cả cuộc đời thanh đạm và tâm huyết với văn hóa truyền thống nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng đã được già cống hiến cho cộng đồng, được dân làng rất quý trọng. Nhiều thế hệ con cháu trong làng đều được già chỉ dạy cồng chiêng, đàn hát dân ca. Trong đó, người em trai A Thuih cũng là nghệ nhân ưu tú.
Nghệ nhân A Thuih năm nay 58 tuổi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha mẹ, anh chị đều giỏi cồng chiêng, xoang, đàn, hát dân ca; từ bé cũng được sống trong không gian vui vầy lễ hội của buôn làng, nên những khúc nhạc, lời ca đã thấm vào hồn ông A Thuih từ lúc nào không hay.
Yêu thích và hăng say luyện tập, nên từ bài chiêng phổ biến để cúng rẫy, mừng nhà mới, khóc đám chết, cúng cầu khỏi bệnh, chơi trong đám cưới... đến những bài chiêng khó, đòi hỏi kỹ thuật cao như bài lễ ăn trâu, mừng lúa mới,cúng giọt nước, mừng nhà rông mới... ông A Thuih đều thuần thục.Thành thạo diễn xướng và truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên trong làng, sau này, ông A Thuih còn học hỏi, chế tác, sử dụng cả đàn ting ning, klông pút, brông ót. Những năm gần đây, ông giữ vai trò "nhạc trưởng" trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian ở địa phương, đồng thời dàn dựng, bố trí chương trình của đội nghệ nhân Kon Trang Long Loi tham gia các sự kiện văn hóa trong tỉnh, trong huyện.
Cùng với nghệ nhân ưu tú A Thiuh và A Thuih giỏi cồng chiêng và nhạc cụ truyền thống, làng Kon Trang Long Loi còn có hai nữ nghệ nhân ưu tú được ghi nhận cống hiến ở loại hình múa dân gian. Năm nay, 57 tuổi, nhưng bà Y Nhuih đã có thâm niên gần 50 năm gắn bó với xoang. Xoang như đã ở trong hơi thở của bà. Chỉ cần nghe tiếng chiêng, tiếng ting ning, brông ót, thì không thể nào không nhún nhảy. Múa không khó, nhưng múa đẹp và bày dạy cho lũ con gái, cháu gái múa đẹp và yêu thích xoang được như bà Y Nhuih thì không phải ai cũng làm được và được yêu mến.
Ở Long loi bây giờ, lớp các cháu gái như Y OLa (28 tuổi), Y Gai (22 tuổi), Y Lus (17 tuổi)... đã làm thành đội hình xoang "chuẩn" truyền thống, cùng với đội cồng chiêng thanh niên thành thạo không kém, giới thiệu nét đẹp mang đậm bản sắc dân tộc của người Rơ Ngao xưa.
Mưu sinh bận rộn, nhà nào cũng mải làm rẫy, làm vườn, chăm cao su, cà phê để giảm nghèo, ổn định cuộc sống, song hiện nay, Kon Trang Long Loi vẫn là một trong số khu dân cư đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh nỗ lực duy trì dạy cồng chiêng, xoang cho thanh thiếu niên và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng. Tự hào vì có nhiều nghệ nhân ưu tú, dân làng càng ra sức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chung tay xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc./.
Nghĩa Hà