Đến hôm nay, tôi đã gắn bó với Kon Tum hơn 28 năm. Chẳng biết “kiếp trước” mình có duyên nợ với mảnh đất Kon Tum này hay không, nhưng trong tâm tưởng, tôi sẽ gắn bó với nơi này cho đến hết cuộc đời.
Mùa hè năm 1988, một người bạn học cùng trường đại học ở Đà Lạt rủ tôi lên Kon Tum chơi vì cậu bạn có người bà con ở đó. Hai ngày rong ruổi và khám phá vùng đất mới mẻ này, cho tôi một cảm nhận vô cùng thú vị. Đó là một thị xã vùng cao “nhỏ bé như trong lòng bàn tay”. Chỉ đi lòng vòng mấy con đường nho nhỏ là hết phố. Khoảng 9 giờ tối, đường phố thưa vắng người đi lại, “phố xá buồn tênh”...
Nhịp sống ở đây bình yên đến lạ thường. Con người hiền hòa, thân thiện, dễ mến, trên môi lúc nào cũng “nở nụ cười dễ thương”. Khí hậu ở đây tương đối dễ chịu, mát mẻ quanh năm. Dòng sông Đăk Bla hiền hòa, thơ mộng, uốn lượn giữa lòng phố thị, gây ấn tượng khó quên cho lữ khách lần đầu đặt chân đến đây.
Và khi chia tay Kon Tum, tôi nghĩ rằng sẽ có một lần quay lại thăm nơi này.
Hè năm 1991, tôi tốt nghiệp đại học rồi về Gia Lai làm việc. Cuối năm đó, Kon Tum và Gia Lai được chia tách làm 2 tỉnh. Cứ ngỡ là sẽ làm việc ở Pleiku đến hết cuộc đời (vì gia đình tôi ở An Khê) nhưng không ngờ “cơ duyên” lại “đưa đẩy” tôi lên Kon Tum.
Số là khi ấy, tôi đang làm việc tại Báo Gia Lai. Khi mới tách tỉnh, Báo Kon Tum rất thiếu người làm việc. Vào 2 ngày nghỉ cuối tuần, mấy anh ở Báo Kon Tum về Pleiku thăm nhà, sang Báo Gia Lai chơi, đồng thời “rủ tôi” lên Kon Tum làm việc. Mấy lần bị “dụ dỗ”, tôi cũng xuôi tai nên đồng ý xa nhà thêm một lần nữa để đến với mảnh đất Kon Tum.
Làng trong phố. |
Năm 1992, tôi rời Báo Gia Lai để chuyển lên Báo Kon Tum làm việc. Mấy anh chị em ở Báo Gia Lai được phân công làm ở Báo Kon Tum đều chưa có nhà riêng. Tất cả mọi người đều ở chung khu tập thể, bên cạnh nơi làm việc. Khi lên Kon Tum công tác, tôi cũng ở trong khu tập thể cơ quan Báo Kon Tum.
Cuộc sống khi ấy còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Trụ sở làm việc của cơ quan là một dãy nhà cấp 4 xập xệ, cũ nát, cỏ mọc um tùm. Các dãy nhà phía trong là khu tập thể cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên. Phương tiện làm việc còn sơ sài, phương tiện đi lại không có, đồng lương ít ỏi nhưng anh chị em vẫn cố gắng vượt qua, phấn đấu làm việc hết mình. Quan hệ đồng nghiệp rất thân thiện, tình cảm chan hòa như anh em ruột thịt.
Dần dần, tôi cảm thấy yêu mến vùng đất này. Bởi lẽ, tôi đã “kết duyên” với mảnh đất và con người Kon Tum.
Kon Tum là vùng đất của những sắc màu văn hóa. Vùng đất này có 7 DTTS tại chỗ cùng chung sống lâu đời (Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Mơ Nâm, Brâu, Hre), kết hợp với các DTTS phía Bắc và người Kinh đến từ các vùng miền trong cả nước, đã tạo nên những bản sắc văn hóa vô cùng độc đáo.
Hoa anh đào nở trên hồ Đăk Ke. |
Đó là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tôn vinh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là những lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc (Lễ mừng nhà rông mới, Lễ mừng lúa mới, Lễ đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ mừng giọt nước...). Là những bài múa xoang, những bài chiêng, những câu chuyện kể sử thi, những bài dân ca... phản ánh đời sống kinh tế, văn hóa, sinh hoạt, tình yêu đôi lứa, gia đình, cộng đồng dân cư. Đó cũng có thể là những nhạc cụ âm nhạc dân gian truyền thống như đàn tơ rưng, sáo, tà vẩu; cũng có thể là nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ dân gian với nhiều nét tinh xảo, độc đáo.
Nghề làm báo tạo điều kiện cho tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Rất nhiều thôn, làng của tất cả các xã thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh Kon Tum tôi đã từng đến, thậm chí có nơi đã đến nhiều lần. Được đi để tìm hiểu về một vùng đất mới, được trò chuyện với nhiều người trong xã hội làm tôi càng thêm gắn bó với con người và mảnh đất Kon Tum.
Nhiều lúc ngồi ngẫm nghĩ về cuộc sống, về công việc hiện tại, tôi càng thấm thía câu nói mà ông cha ta đã đúc kết: “Đất lành, chim đậu”. Có lẽ đối với tôi là như vậy. Và tôi nghĩ mình sẽ gắn bó nơi này cho đến hết cuộc đời. Âu đó cũng là do tôi đã “có duyên, có nợ” với vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này.
Quang Định