Sống trên vùng Trường Sơn - Tây Nguyên ở phía tây quần sơn Ngọc Linh nói chung và ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nói riêng, mỗi plơi (làng) của người Xơđăng có phạm vi đất rừng riêng của mình, ranh giới được đánh dấu bằng những địa hình như: con suối, đỉnh núi, cây cổ thụ...
Bến nước của người Xơ Đăng Kon Tum |
Nhà ở thường xúm xít gần nhau, xen vào giữa là những kho thóc của từng gia đình, họ thích ở những nơi cao, lưng chừng núi hoặc ở nơi thung lũng gần nguồn nước. Đặc biệt, mỗi plơi của họ bao giờ cũng có một máng nước (lang tak).
Người Xơđăng cho rằng, tổ tiên của họ bao giờ cũng tìm cho bằng được nguồn nước uống trước khi chọn đất lập làng. Đây là yếu tố quan trọng và là nguyên tắc bất biến trong quá trình thành lập làng. Vì vậy, khi đến các bản làng của người Xơđăng hôm nay, chúng ta thấy làng của họ không xa nguồn nước (bến nước) là bao nhiêu.
Theo luật tục của người Xơđăng, bến nước là một giá trị thiêng liêng. Trải qua bao thế hệ, con cháu của người Xơ Đăng khi đến bến nước để lấy nước uống, tắm, giặt... đều không nói lời xấu, không được khạc nhổ hoặc tiểu tiện ngay tại đó. Vì họ quan niệm, ở đó có vị thần Kará - Mó huýt (Thần Nước) cứu tinh cho dân tộc của mình tồn tại và phát triển. Từ bao đời nay, các thế hệ con cháu của người Xơđăng luôn tự giác tuân theo luật tục của làng. Bến nước và bản làng người Xơđăng hòa chung như máu thịt trong thực tế đời sống hằng ngày, trong lễ hội truyền thống... tạo nên nét văn hóa đặc sắc trong phong tục - tập quán, làm phong phú hơn đời sống vật chất lẫn tinh thần của cư dân miền núi. Cạnh bến nước của làng là nhà ở, nương rẫy. Người Xơđăng yêu bến nước, bến nước gắn bó cùng họ từ đời này qua đời khác như máu thịt. Chính bến nước đã tạo ra những phương thức sản xuất, làm cho đất có độ màu mỡ giúp nương rẫy có những mùa lúa, bắp, sắn bội thu...
Theo truyền thống người Xơđăng, tổ tiên của họ là nguồn nước (bến nước), và họ tin rằng cộng đồng và xã hội có tồn tại và phát triển hay không là nhờ ở nguồn nước (bến nước) đó. Bến nước được họ xem là giá trị thiêng liêng của cộng đồng. Vì vậy, hằng năm người Xơđăng có tục sửa chữa và làm lễ cúng máng nước của mình. Tục cúng máng nước là sự kết hợp hài hòa giữa cuộc sống đời thường và thế giới tâm linh, một biểu tượng sinh động của tín niệm vạn vật hữu linh của cư dân miền núi. Cúng máng nước là hình thức củng cố tình đoàn kết cộng đồng và xã hội, đồng thời để giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn tổ tiên, nhớ về nơi mà họ và cộng đồng đã định cư và sinh sống lâu đời. Nét đẹp trong phong tục, tập quán này, từ bao đời nay, vẫn được người Xơđăng trân trọng và giữ gìn.
Thái Sơn