Người Brâu và lễ hội cúng thần linh

Dân tộc Brâu trước đây sống du canh, du cư dọc tuyến biên giới Việt Nam- Lào và Cămpuchia và cũng là dân tộc ít người nhất (khoảng vài trăm người), nhưng không vì thế mà họ xem thường các giá trị tâm linh; các lễ hội của họ đậm nét văn hóa truyền thống gắn với các tín ngưỡng dân gian…

Người Brâu và lễ hội cúng thần linh
Bà Y Pan- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Đăk Mế (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi); Ủy viên UBTWMTTQ Việt Nam từ khóa V đến khóa VII, năm nay đã 85 tuổi; bà là người lớn tuổi nhất làng Đăk Mế, cho biết: Người Brâu có rất nhiều lễ hội, nhưng chỉ có 3 lễ hội chính và lớn nhất trong một năm; đó là lễ hội “Tỉa lúa”, “Ăn cốm” và “Mừng lúa vào kho”. Bà Y Pan đăm chiêu kể lại….
3 lễ hội chính trong năm

…Ngược dòng thời gian, từ xa xưa người Brâu chỉ quen sống du canh, du cư; việc trồng trọt chỉ dựa vào việc chọc tỉa và phát đốt rừng làm rẫy do đó sản lượng thường không cao. Năm nào mưa thuận, gió hòa thì hột lúa trên rẫy mới ngậm đầy sữa, có nhiều lúa chạy về kho; còn năm nào trời “nổi giận” không làm mưa đúng thời vụ, mùa màng thất bát, người Brâu lại thiếu cái ăn, phải vào rừng đào tìm củ mài, săn con chim, bắt con chuột để khỏi phải chết đói, chờ vụ lúa năm sau. Vì thế, năm nào được mùa hay không được mùa, dân làng cũng đều phải làm mâm lễ tươm tất, cúng tế thần linh. Được mùa thì hiến tế các sản vật của núi rừng, khấn vái để thần linh tiếp tục phù hộ cho vụ mùa sau, con chim, con chuột và lũ thú rừng không về đây quấy phá; mất mùa cũng cúng lễ để thần linh thương xót mà cho vụ mùa năm sau tươi tốt…

Lễ hội “Tỉa lúa” là lễ hội thứ nhất trong năm của người Brâu bắt đầu vào tháng Tư (nếu mưa sớm), còn năm nào mưa muộn thì phải chờ đến tháng Năm, sau mùa đốt rẫy khoảng 1-2 tháng. Đây là phần lễ khởi đầu cho một năm vụ mùa, nên việc tổ chức lễ và cúng tế phải thể hiện được sự linh thiêng của nó. Để chuẩn bị cho ngày lễ, trước đó vài ngày, Già làng kêu gọi dân làng chuẩn bị mỗi nhà một ghè rượu (vì nhà nào cũng có sẵn), thanh niên trai tráng trong làng thì vào rừng chặt mây đắng (măng mây) để nấu với môn thục; nhóm khác thì đi bẫy con chim, con chuột còn phụ nữ thì đi xúc cá, đào củ mài trên rẫy; một nhóm khác nữa thì ở nhà trang trí nơi cúng lễ, dựng cây nêu. Nếu năm nào khấm khá thì chuẩn bị heo, gà thậm chí tổ chức đâm trâu để cúng tế thần linh; nhưng không thể thiếu các món củ mài, chim, chuột và mây đắng. Trong nghi lễ cúng, dân làng chuẩn bị các lễ vật như lúa, củ mài, củ môn cho chung vào gùi lúa để nơi cúng, thầy cúng lấy máu gà bôi vào những sản vật nói trên, mục đích là cho cây lúa, cây củ mài, củ môn cùng phát triển mạnh mẽ; thịt chim, chuộc cũng bày sẵn xung quanh, nếu có dê, trâu hoặc bò thì cột ở gốc cây nêu để giết thịt hiến tế. Khi đã chuẩn bị xong các lễ vật hiến tế, thầy cúng- thường là già làng, người có uy tín trong làng hoặc chính gia chủ tổ chức cúng- bắt đầu cho hương liệu vào ống nứa và bỏ than vào trong đó để đốt hương liệu (giống việc thắp hương của người đồng bằng, nhưng đây là một hương liệu lấy từ rừng rất thơm nhưng rất ít người được biết nó được lấy từ cây dược liệu nào), ống hương liệu đó được đặt gần bên ghè rượu, mục đích là nhờ hương thơm dẫn dắt, mời các thần linh về ăn tiệc, uống rượu.

Sau phần lễ là phần hội. Khi việc hiến tế đã hoàn tất, dân làng bắt đầu tổ chức ăn uống, đánh chiêng Tha, nhảy quanh bếp lửa hoặc nhà Rông cho đến gần sáng.

Đặc biệt, trong các ngày lễ hội, người Brâu bắt buộc phải mặc các bộ đồ truyền thống dành cho các ngày lễ. Đối với đàn ông thì mặc khố, đàn bà mặc Ktu. Váy, áo, khố đều dệt nhiều họa tiết với các màu đen và đường viền màu đỏ, xanh, tím, vàng xen lẫn các hoa văn đặc trưng của người Brâu. Trang phục của họ trước đây thường làm bằng vỏ cây hoặc tự dệt bằng bông. Vỏ cây rừng được chọn và đem về đập dập thành sợi để đan áo, váy, khố; sau đó được nhuộm và trang trí hoa văn bằng màu được lấy từ nhiều thứ củ trong rừng khác nhau, giã ra thành các loại màu để nhuộm và trang trí. Ngày  nay, người Brâu đã không còn vất vả vào rừng sâu tìm vỏ cây rừng nữa; trang phục của họ được dệt bằng các loại chỉ và phẩm màu mua ở thị trường.

Lễ hội “Ăn cốm” diễn ra vào khoảng 30/9 hằng năm, khi mà cây lúa trên rẫy đã  bắt đầu ngậm sữa. Việc chuẩn bị tổ chức lễ cúng giống như lễ hội trước; đàn ông, thanh niên cũng vào rừng chặt tre, lồ ô, mây đắng và bẫy con chim, con chuột…Đàn bà thì đi chặt củi, xúc cá, lên rẫy tuốt một ít cốm (lúa ngậm sữa) để đem về. Việc phân công công việc cũng được rõ ràng: Người già thì làm công việc nhẹ nhàng hơn, ngồi bên bếp lửa rang cốm; con gái thì giã cốm sau khi đã rang để cúng và ăn trong buổi lễ. Thanh niên thì trang trí hoa văn, dựng nêu, giết heo, gà… Sau khi các sản vật đã chuẩn bị xong, thầy cúng bắt đầu “rước” thần linh về bằng câu khấn: “ Tôi ăn cốm lúa mới, cầu mong các vị thần linh về ăn cốm lúa mới để phù hộ cho dân làng được vụ mùa năm nay tươi tốt, cốm không bị hao hụt…” Và sau đó dân làng đem chiêng Tha ra đánh, cùng nhau nhảy múa, uống rượu cho đến sáng. Ngày hôm sau nghỉ ngơi (kiêng cữ) ở nhà, hôm sau mới được đi làm việc khác.

Lễ hội “Mừng lúa vào kho” được diễn ra vào khoảng tháng 11-12. Phần lễ này diễn ra cũng giống như lễ hội “Ăn cốm”, và dân làng cũng đánh chiêng Tha, nhảy múa quanh nhà Rông cho đến sáng…

Nguy cơ bị mai một

Trước đây, người Brâu còn sống du canh, du cư trong rừng việc tổ chức lễ hội chỉ được tổ chức trong rẫy. Từ khi được Đảng và Nhà nước quan tâm đưa người Brâu thoát khỏi cảnh sống du canh, du cư về định cư tại làng Đăk Mế (năm 1975), người Brâu đã tổ chức lễ hội đàng hoàng hơn, nhộn nhịp hơn bên nhà Rông của làng. Thế nhưng, cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường, việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi giống cây trồng,  người Brâu đã biết chuyên canh vào các cây trồng công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời…Người Brâu đã bỏ dần việc trồng lúa rẫy (vì làm rẫy phải đốt rừng, vi phạm pháp luật), nhà nào cũng có vài dăm ha cao su, cà phê, bời lời, thu nhập khấm khá cao hơn nhiều so với việc phát nương làm rẫy. Chính vì thế mà việc tổ chức lễ hội theo vụ mùa cũng dần bị lơ là, không còn rình rang như trước. Bà Y Pan, giọng buồn buồn cho biết: “ Tôi sợ rằng sau này các lễ hội chính của người Brâu bị mai một và mất hẳn luôn. Bởi vì hiện nay trong làng chỉ còn vài hộ trồng lúa, hầu hết đều chuyển sang trồng cao su, cà phê. Ngay vợ chồng thằng con trai đầu nhà tôi có 2 ha cao su, 2 ha cà phê, 1 ha bời lời, nó đâu thèm trồng lúa làm gì nữa. Năm ngoái, trong làng còn hai hộ là ông Thao Trang và Thao Lầy A là còn tổ chức các lễ tại rẫy của mình, có mời bà con trong làng tham dự và ăn uống, nhưng mất phần hội và kém vui vẻ. Năm nay hỏi họ có tiếp tục làm lễ hay không họ trả lời là “không biết nữa, có thể là không làm…”

Không biết sau này người Brâu có còn tổ chức các nghi lễ cúng thần linh với ước nguyện mong ước được mùa bội thu, dân làng sung túc. Nhưng những nghi lễ của người Brâu và tiếng chiêng Tha sẽ không bao giờ thiếu vắng trong tâm linh của người Brâu đang khát khao vang vọng giữa đại ngàn…

Tác giả bài viết: Dương Đức Nhuận

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo