Di tích Chiến thắng Đăk Seang

Di tích Trại Đăk Seang nằm về phía Đông - Nam xã Đăk Dục thuộc làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum; phía đông giáp đất cao su của Nông trường Dục Nông, phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp suối Đăk Vai, phía Nam giáp suối Đăk Si.

Trại Đăk Seang được Mỹ xây dựng vào tháng 8 năm 1966 do Lực lượng Đặc biệt (LLĐB) của Mỹ chỉ huy, nhằm án ngự phía Bắc tỉnh Kon Tum và biên giới Việt – Lào, nằm giữa hai căn cứ lớn là Ben Het và Đăk Pek. Toàn bộ Trại Đăk Seang được xây dựng thành một pháo đài hình vuông với diện tích khoảng 3.000m2,  nằm trên một quả đồi thấp có địa hình tương đối bằng phẳng giữa hai suối Đăk Vai và Đăk Si thuộc nhánh sông Pôkô; xung quanh từ 500 đến 700m trở ra có nhiều điểm cao, mỏm núi như: 688, 702, 768, 1043... Đặc biệt các điểm cao Ngok Ec,  Ngok Cem Put, Ngok Sie.

Nằm về phía bắc của Trại là sân bay Đăk Seang có chiều dài 1.400m. Sân bay này có thể cho phép máy bay vận tải C130 bay và hạ cánh  tiếp ứng cho căn cứ dễ dàng. Lực lượng tại Trại có 3 đại đội trấn giữ, quân số 132 người trong mỗi đại đội, ba trung đội viễn thám; một đơn vị súng hạn nặng với hai đại bác 105 ly, cối 81mm, 2 cối 106,7mm, 2 DKZ 75 và nhiều vũ khí bộ binh; một Ban tâm lý chiến và một Ban chỉ huy. Tổng số quân tại trại trên 530 quân. Để cố vấn cho LLĐB, quân Mũ Xanh Hoa Kỳ gửi đến trại biên phòng này một toán A LLĐB gồm ba sĩ quan và 11 binh sĩ.

Hệ thống công sự, hầm ngầm được xây dựng kiên cố nửa chìm nửa nổi, bao quanh trại có 9 lớp hàng rào kẽm gai và giao thông hào chống tăng bao bọc xung quanh. Bên cạnh đó, địch còn thiết lập ba chốt phòng thủ từ xa cho Đăk Seang: Chốt Núi Éc, chốt Núi Sie, chốt Núi Pút. Căn cứ này có nhiệm vụ tổ chức thám thính biên giới và ngăn chặn đường xâm nhập, giao liên, tiếp vận của cách mạng; Mở các trận tấn công tiêu diệt, phá hoại hậu phương của ta. Nhận diện và phá hủy hạ tầng cơ sở của cách mạng (nằm vùng). Kiểm soát toàn bộ khu vực này.

Nghĩa trang ghi danh 54 anh Hung liệt sỹ đã hi sinh trong các trận đánh Đăk Seang 

 Để thực hiện nhiệm vụ của mình, đầu năm 1970, Mỹ -Ngụy tiếp tục đẩy mạnh “quét” và “giữ”, đề ra kế hoạch “Bình định phát triển’ đưa cuộc chiến tranh giành dân lên quy mô chưa từng có, với những thủ đoạn tàn khốc quyết liệt, ráo riết thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” khắp miền Nam.

Về phía ta, hạ tuần tháng 2 năm 1970 Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên quyết định mở chiến dịch Đăk Seang, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, đẩy mạnh phong trào phá ấp giành dân, rèn luyện và nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang ba thứ quân, tích cực phối hợp với chiến trường miền Nam. Hướng chủ yếu của chiến dịch là vùng Đăk Seang, Đăk Tô – Tân Cảnh, Plei Kần do các Trung đoàn 66, 28 (thiếu), 40 và hai tiểu đoàn đặc công (20,37) đảm nhiệm.

Tháng 2 năm 1970 Bộ Tư lệnh tiền phương chiến dịch Đăk Seang được thành lập gồm các đồng chí: Vương Tuấn Kiệt – Tư lệnh, Đặng Vũ Hiệp – Chính ủy, Nguyễn Đức Giá – Tham mưu trưởng, Lã Ngọc Châu – Chủ nhiệm hậu cần, Lưu Quý Ngữ - Chính ủy hậu cần.

Chiến dịch tiến công Đăk Seang được tiến hành theo cách vây điểm diệt viện. Mục đích là chọn để vây ép Trại Đăk Seang vào sáng ngày 01 tháng 4 năm 1970. Gần một tháng bao vây, quân ta đã chiến trận diễn ra ác liệt trên các chốt điểm như Núi Éc, Ngok Sie, Ngok Cem pút và Trại Đăk Seang.
Trong suốt 26 ngày đêm chiến đấu, các chiến sĩ chốt chiến dịch núi Éc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, diệt 153 tên địch, bắt 7 tên, bắn rơi và phá hủy 15 máy bay, thu 27 súng các loại và 6 vô tuyến điện. Cùng với chiến công của chốt hỏa lực Đại đội 13 (cối 82mm) và Đại đội 12 (súng máy phòng không) Trung đoàn 28, khống chế sân bay Đăk Seang nhiều ngày diệt 206 tên địch, tạo điều kiện cho các lực lượng chiến dịch phát triển tiến công giành thắng lợi.

Thắng lợi của chiến dịch Xuân - Hè, tháng 4/1970 đánh vào Đăk Seang có ý nghĩa chính trị, quân sự to lớn, giáng một đòn chí tử vào âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ ở Bắc Tây Nguyên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, mở ra những điều kiện mới để ta liên tiếp bao vây tiến công địch.

Sau thất bại trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng và Kon Tum nói chung, vào tháng 8/1970 Mỹ - Ngụy quyết định giải tán các trại Dân sự Chiến đấu hoạt động quanh khu vực biên giới trong đó có Trại Đăk Seang. Theo kế hoạch này, các đơn vị Dân sự Chiến đấu do Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ thành lập được cải tuyển thành các Tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên phòng.

Ngày 30 tháng 11 năm 1970, Trại Đăk Seang chuyển đổi thành Tiểu đoàn 90 Biệt động Biên Phòng (Đăk Seang, A-245, Kontum). Quân số lúc này là 431 binh sĩ, ngang với số quân hiện có tại Ben Het (Plei Kần).

Năm 1972, trước tình hình diễn biến ở Mặt trận Đường 9 - Nam Lào và để thực hiện nhiệm vụ trên giao, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra Nghị quyết nêu rõ "Tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công địch ở Bắc Tây Nguyên, hướng chủ yếu là Đăk Tô - Tân Cảnh đến thị xã Kon Tum. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên xác định: Tây Nguyên là một hướng tiến công chiến lược năm 1972, với nhiệm vụ "Tiêu diệt địch, giải phóng vùng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum".

Ngày 30/3/1972, cuộc tổng tiến công chiến lược toàn miền bắt đầu. Được vinh dự, nổ súng mở màn cho chiến dịch Xuân - Hè đánh Đăk Tô - Tân Cảnh. Ngày 24/4/1972 ta giải phóng hoàn toàn căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh; ngày 13/10/1972 ta giải phóng hoàn toàn căn cứ Ben Het (Plei Kần), Cứ điểm Đăk Seang bị cô lập giữa vùng căn cứ của ta. Sau khi diệt xong căn cứ Plei Kần, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 10 chỉ huy Trung đoàn 66 hành quân về phía Nam thị xã Kon Tum cùng Trung đoàn 95 mở mặt trận mới.

Ngày 23/10/1972, Bộ Tư lệnh chỉ thị cho Mặt trận Tây Nguyên "Phải tổ chức đánh Đăk Seang ngay, phối hợp với chiến trường toàn miền Nam tiêu diệt địch, đẩy chúng sâu vào thế thua, làm mất hy vọng giành chiến thắng ở Hội nghị Paris trên thế mạnh" .

Trên đường hành quân về phía Nam thị xã Kon Tum, Trung đoàn 66, nhận được lệnh phải quay lên phía Bắc để tiêu diệt căn cứ Đăk Seang. Bộ đội quyết tâm đi cả ngày lẫn đêm, rút ngắn thời gian hành quân từ 7 ngày xuống còn 3 ngày, tới vị trí là triển khai chiến đấu ngay.

Ngày 23/10/1972, Trung đoàn pháo binh B40, nhận mệnh lệnh phối hợp với Trung đoàn 66 tới ngày 29/10/1972 phải nổ súng Trại Đăk Seang. Với thời gian ngắn Trung đoàn phải cơ động 03 khẩu pháo 105 ly, 01 pháo 155 ly, 01 pháo 85 ly, 01 khẩu cối 160 ly và 15.000 viên đạn pháo các loại từ các phía kéo về Đăk Seang.

Sáng ngày 25/10/1972, trận địa pháo 155 ly và 105 ly đã chiếm lĩnh xong trận địa và đến tối Cối 160 ly cũng đã chiếm lĩnh xong. 10 giờ ngày 29/10/1972, một khẩu pháo 105 ly của Đại đội 5 (tiểu đoàn 41), bắn ngắm trực tiếp đã triển khai xong đợi lệnh sẵn sàng chiến đấu. Toàn bộ hệ thống đài quan sát, Sở chỉ huy, thông tin liên lạc đã thông suốt.

5 giờ 15 phút sáng ngày 30/10/1972, trận địa pháo 155 ly bắt đầu bắn loạt đạn đầu tiên trúng mục tiêu, Cứ điểm Đăk Seang nghiêng ngã dưới uy lực pháo binh Trung đoàn 40. Được pháo binh bắn chi viện, các chiến sỹ Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 - Trung đoàn 66, dùng mìn định hướng phá rào kẽm gai mở cửa rồi đồng loạt xông lên tấn công. Trận đánh diễn ra chưa đầy 30 phút, quân ta đã làm chủ hoàn toàn căn cứ, diệt gần 400 tên, bắt 43 tên, thu 4 khẩu pháo 105 ly, 1 súng cối 106,7 ly và toàn bộ kho tàng phương tiện trong căn cứ.

Chiến thắng Đăk Seang, ngày 30/10/1972 có ý nghĩa to lớn: khai thông biên giới, mở rộng vùng giải phóng với hàng chục nghìn dân. Tạo điều kiện cho bộ đội địa phương, quân, dân H40 vây ép Chi khu Đăk Pét, tiến tới giải phóng Đăk Pét năm 1974 và giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum 16/3/1975.
Tác giả bài viết: Phạm Bình Vương

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo