Các lễ hội truyền thống của người Brâu

Sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ và đậm nét văn hóa bản địa, dân tộc Brâu đã hình thành cho mình một sắc thái văn hóa đặc sắc, trong đó tiêu biểu là các lễ hội dân gian truyền thống.

Các lễ hội truyền thống của người Brâu
Theo tín ngưỡng vật linh giáo, người Brâu tin rằng thế giới là hữu hình, mọi hiện tượng, sự vật đều có các vị thần ở bên trong. Để sinh tồn phát triển, con người cần giao lưu gắn kết cộng đồng, cùng hướng tới sức mạnh siêu nhiên thông qua hình ảnh các thần linh, bởi vậy các lễ hội của dân tộc Brâu thường mang đậm yếu tố tâm linh. Mặt khác, xuất phát từ tập quán sản xuất nông nghiệp phát nương, làm rẫy theo mùa vụ, cuộc sống sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên người Brâu rất coi trọng việc cúng thần nông nghiệp để cầu mùa, cầu may. Cũng bởi vậy mà dân tộc Brâu có nhiều lễ hội trong một năm. Ông Đặng Hưng, cán bộ Uỷ ban dân tộc tỉnh Kon Tum, cho biết:“ Lễ hội của người Brâu một năm thường có bốn lễ hội chính. Đó là lễ hội  vào mùa phát  rẫy, lễ hội khi trỉa lúa và  vào mùa thu hoạch có lễ hội mừng lúa mới. Cuối năm  là lễ hội tết của người Brâu. Vào những ngày lễ hội, dân trong buôn làng cùng nhau góp rượu, góp gạo, thực phẩm, rồi  tổ chức các nghi thức đánh cồng chiêng, còn già làng thì cúng các vị thần theo truyền thống của dân tộc”

Ngoài những lễ hội theo chu kỳ sản xuất nông nghiệp, những lễ hội mang tính chất mở đầu, khởi đầu cho cái mới ở người Brâu cũng quan trọng. Trong đó phải kể đến lễ hội đâm trâu vào làng mới, mừng nhà mới là lễ hội mang nhiều yếu tố tâm linh, còn lễ hội trỉa lúa (gieo hạt) là lễ hội cầu mùa được coi trọng nhất trong năm. Trước lễ hội, các gia đình, tuỳ theo hoàn cảnh mà đóng góp lễ vật cho lễ hội để cúng thần. Những con vật hiến tế thường là trâu, bò, lợn, gà…Dân trong buôn làng dựng một cây cúng thần có tên là Soóc roóc, đó là cây nêu cao trên một mét đầu ngọn chẻ ra đan thành hình chiếc hom giỏ ngửa lên trời. Một cái thang nhỏ lên tới hom giỏ ở đó đặt ống gạo, gan lợn, trứng gà, lông gà, cánh gà, chân gà để dâng cúng thần. Dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống no nê rồi đem buộc bằng dây mây vào Cột Gưng trang trí thật bắt mắt, cao khoảng 5m. Cột Gưng là một cây gỗ lớn dựng lên giữa sân là tâm điển để tổ chức lễ hội đâm trâu. Các lễ hội của người Brâu thường mở đầu bằng lễ hiến tế. 

Khi tiếng cồng chiêng vang lên cũng là lúc già làng đứng vai chủ tế đọc lời cầu khấn mời các vị thần hiển linh về dự lễ, phù hộ cho buôn làng. Trong tiếng cồng chiêng, tiếng chày giã gạo rộn rã, người chủ tế lấy máu con vật hiến tế bôi lên nhà Rông mới, nhà ở mới hay bôi lên những chiếc chiêng Tha, những chiếc choé đựng rượu, những gùi đựng hạt giống như một cách để giao tiếp với thần linh. Những lời khẩn của già làng bày tỏ cầu mong thần linh phù hộ, che chở cho buôn làng có cuộc sống sung túc, bình yên. Trong các lễ hội nông nghiệp, bà con Brâu luôn có niềm tin mạnh mẽ rằng:  thần đất, thần nước hay thần lúa…luôn là những vị thần quan trọng định đoạt việc được mùa hay mất mùa. Hàng năm cứ vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch, khi có những cơn mưa đầu mùa cũng là lúc bà con chuẩn bị cho các lễ hội trỉa lúa năm mới. Trong suốt chu kỳ trồng lúa còn có các lễ hội như: Lễ mừng lúa mới, mừng được mùa, mừng lúa vào kho. Đây là những lễ hội để bà con bày tỏ tâm nguyện tới các đấng thần linh, cầu mong cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no ấm. Già làng Thao La, ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon tum, chia sẻ: “Dân tộc Brâu khi vào làng mới hay vào nhà mới, nhà ở hay nhà Rông đều có lễ đâm trâu để xin đất ở, xin đồi, núi và nước cầu cho làng, nhà ở được mát mẻ, êm đẹp mà mạnh mẽ. Mong đừng có ai ốm, đau và có hạnh phúc ấm no ở cái đất này,ở làng này. Còn khi mình làm rẫy thì trồng lúa có lúa, trồng mì có mì.  Mình phải xin từ đất, từ trời phù hộ  để làm gì cũng phát đạt, giàu có” 

Cũng như nhiều lễ hội của các dân tộc khác, lễ hội của người Brâu bao giờ cũng gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Sau lễ cúng thần trang nghiêm, thì phần hội thường diễn ra hết sức tưng bừng. Theo nhịp trống, cồng chiêng, sáo bầu, những người tham dự lễ hội được thoả sức diễn tấu những bài hát, những điệu múa mà mình yêu thích. Những các chàng trai tay cầm lao cuồng nhiệt trong những vũ điệu khoẻ khoắn, trong khi các cô gái Brâu trong trang phục truyền thống, tay nắm tay, tạo thành vòng xoang, uyển chuyển trong các điệu múa đầy sức quyến rũ. Cứ như vậy mọi người cùng chìm đắm trong không khí lễ hội diễn ra thâu đêm, suốt sáng. Vào những ngày lễ hội, dù là người quen hay khách lạ, khi nghe tiếng cồng chiêng nổi lên, thì mọi người đều hoà mình vào lễ hội  trong bầu không khí hết sức đầm ấm, thân tình. Có lẽ đây chính là nét đẹp, nét nhân văn trong những lễ hội của người Brâu./.

Tô Tuấn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo