Du lịch trải nghiệm trên vùng biên giới Ia H’Drai Kon Tum

 Vào một ngày đẹp trời tháng 9 vừa qua, chúng tôi đã thực hiện cuộc hành trình để khám phá miền biên viễn Ia H’Drai- mảnh đất có 3 nhà máy thủy điện và có thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ.

Xuất phát từ thành phố Kon Tum lúc 12 giờ trưa, đoàn chúng tôi gồm 16 người trên hai chiếc ô tô thẳng tiến hướng về tỉnh Gia Lai, rồi ngược về huyện biên giới Ia H’Drai của tỉnh Kon Tum. Gần 3 giờ chiều, xe đến nơi, mọi người tập trung ở bến đò, chờ xuồng máy đưa đến làng chài Sê San nghỉ ngơi trước khi khám phá thác Mơ.

Xuồng của anh Nguyễn Hải Triều (quê ở An Giang) có thể chứa được 20 người, có trang bị đầy đủ áo phao. Sau khi nghỉ ngơi, bắt đầu khởi hành từ làng chài, trong hơn 30 phút lênh đênh trên mặt nước lòng hồ thủy điện rộng lớn, du khách có thể vừa ngắm cảnh sông nước vừa chụp ảnh lưu lại những bức ảnh tuyệt đẹp trên lòng hồ, sau đó, xuồng sẽ đưa bạn tới thác Mơ.

Với dòng nước đổ từ trên cao tung bọt trắng xóa, thác Mơ được ví như “nàng công chúa ngủ quên trong rừng”. Thác nằm trên một nhánh của dòng sông Pô Kô. Thác Mơ được các chuyên gia du lịch đánh giá là một trong những thác đẹp nhất Tây Nguyên nằm giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và Gia Lai hiện nay.

Du lịch trải nghiệm trên vùng biên giới Ia H’Drai Kon Tum

Đón bình minh sớm trên làng chài Sê San.

Sau khi khám phá thác Mơ và chụp ảnh lưu niệm, chúng tôi trở lại làng chài để nghỉ qua đêm tại nhà bè của anh Nguyễn Hải Triều. Những người dân ở đây tận dụng đặc sản mà thiên nhiên ban tặng để sinh sống, kết hợp làm du lịch, phục vụ ăn uống cho du khách bằng các sản phẩm như cá cơm khô, bánh tráng cá cơm, chả cá sông Sê San, cá lăng nướng…

Sau khi nhấp vài ly rượu, anh Triều xung phong hát vài bài vọng cổ để gợi nhớ về quê hương miền Tây của mình. Anh Triều trải lòng: Hơn 10 năm trước, những người dân ở các tỉnh Cà Mau, An Giang, Long An... di cư về khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 lập nên một làng chài để nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Những ngày đầu lên đây lập nghiệp, mỗi người một chiếc bè 3m2, trên phủ chiếc bạt cũ, ngày đi đánh cá, thả câu, đêm về bè ngủ trong tiếng sóng rì rào của sông hồ. Cuộc sống lang bạt trên những chiếc bè tạm bợ, không giấy tờ tạm trú, không nhà cửa… chứa đựng rất nhiều khó khăn, bất trắc.

Cuối năm 2017, sau khi đi thăm hỏi cuộc sống của người dân làng chài, ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và huyện Ia H’Drai quan tâm giải quyết cấp hộ khẩu, đất ở, tạo điều kiện cho dân làng chài lên bờ, cho con cái học hành.

Đầu năm 2018, 29 hộ dân làng chài được cấp sổ hộ khẩu, mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở và được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà trên bờ, có điện lưới quốc gia kéo về từng nhà. Khu nhà ở của người dân làng chài chỉ cách lòng hồ thủy điện Sê San 4 chừng 1 cây số, thuộc địa phận thôn 7, xã Ia Tơi.

Anh Triều bộc bạch: Trước đây, cuộc sống lênh đênh sông nước, kiếm sống qua ngày cực khổ lắm. Bây giờ, chính quyền hỗ trợ xây dựng nhà ở, cho nhập hộ khẩu, tạo điều kiện cho bà con an cư, lạc nghiệp. Cả làng chài ai cũng có cuộc sống ổn định nhờ đánh bắt và nuôi cá lồng bè. Ngoài có nhà xây trên bờ chắc chắn, điều vui mừng nhất của những người dân nơi đây là con cái được đến trường. Người dân làng chài rất biết ơn Đảng và Nhà nước, đã cho họ một cuộc sống bình yên, hạnh phúc trên vùng quê mới.

Chế biến đặc sản bánh tráng cá cơm tại làng chài Sê San.
Chế biến đặc sản bánh tráng cá cơm tại làng chài Sê San.

Theo anh Triều, có được chỗ ở ổn định, ngư dân mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế. Trước đây, người dân chỉ đánh bắt cá tự nhiên; hiện nay, họ mạnh dạn đầu tư lồng bè nuôi thả cá trắm, diêu hồng, cá thác lác…Đặc biệt, người dân đã sáng tạo ra đặc sản “bánh tráng cá cơm Sê San” nổi tiếng. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của người dân làng chài.

Cùng với đó, nhằm giúp cho bà con ổn định cuộc sống, chính quyền địa phương đã thành lập hợp tác xã nhằm tìm đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật, con giống cho hàng chục hộ nơi đây. Ngoài nghề cá, một số hộ dân làng chài còn tận dụng lợi thế lòng hồ làm dịch vụ đưa khách du lịch, mỗi tháng kiếm thêm từ 5-7 triệu đồng.

Bốn giờ sáng hôm sau, chúng tôi theo anh Triều để trải nghiệm việc thu hoạch cá cơm. Anh cho hay, đặt lưới đáy từ ngày hôm trước, mỗi sáng sớm bơi xuồng để thu hoạch. Nhà anh đặt 5 đáy, nếu không phải mùa trăng thì thu được 4-5kg cá cơm/ngày, nếu mùa trăng thì chỉ được 2-3kg.

Sau khi điểm tâm bữa sáng do gia đình anh Triều chuẩn bị, chúng tôi rời làng chài để đến thác Ia Dom. Theo anh Lê Bá Khánh Luân, một cán bộ công tác trong ngành Văn hóa của huyện Ia H’Drai, thác Ia Dom có 12 tầng rất đẹp và hùng vĩ. Hiện tại, thác còn hoang sơ, chưa được đầu tư khai thác để phát triển du lịch.

Trải nghiệm ở thác Ia Dom khoảng hơn một giờ, chúng tôi chọn vườn cây cao su rộng rãi, thoáng mát bên đường để nghỉ ngơi, ăn nhẹ buổi trưa. Ăn trưa xong, lên xe về thành phố Kon Tum, kết thúc cuộc hành trình khám phá, trải nghiệm thiên nhiên hùng vĩ ở huyện vùng biên Ia H’Drai.

Gần 2 ngày cùng gia đình và bạn bè trải nghiệm khám phá du lịch ở mảnh đất vùng biên Ia H’Drai thật thú vị và để lại nhiều ấn tượng. Nếu du khách có dịp đến sẽ cảm nhận được sự hấp dẫn của dòng sông Sê San, của thác, hồ, của mảnh đất và tình người Ia H’Drai.

Ông Huỳnh Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Chúng tôi chỉ mới thử nghiệm đưa 2 đoàn khách đến đây. Hy vọng rằng, tour Kon Tum – sông Sê San – thác Mơ – làng chài - thác Ia Dom sẽ là một trong những tour hấp dẫn và hứa hẹn trong thời gian tới cho du khách muốn tạm xa nhịp sống đô thị ồn ào để khám phá những vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cho cuộc sống.

QUANG ĐỊNH

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo