Măng Ri - Vùng “địa linh” ngày ấy, bây giờ...

 Nằm về phía Bắc huyện Tu Mơ Rông, xã Măng Ri là khu căn cứ cách mạng, nơi cơ quan Tỉnh ủy Kon Tum đứng chân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vùng địa linh đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Bắc Tây Nguyên năm xưa, ngày nay được biết đến với tiềm năng phát triển cây công nghiệp, cây dược liệu giúp đồng bào dân tộc địa phương giảm nghèo bền vững; vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Toàn cảnh khu vực trung tâm xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông
Toàn cảnh khu vực trung tâm xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Kon Tum, cuối năm 1959, Ban cán sự Tỉnh ủy Kon Tum được chuyển từ Nước Chè, H29 (nay thuộc xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) về H80 (nay thuộc huyện Tu Mơ Rông) để thuận tiện cho việc chỉ đạo công tác. Khu vực suối Đăk Y Hai (gồm dòng suối Đăk Y Hai lớn, Đăk Y Hai nhỏ) xã Măng Xăng (nay là xã Măng Ri) được chọn làm nơi xây dựng căn cứ. Địa bàn cơ quan Tỉnh ủy đứng chân thuộc làng Mô Gia, Măng Rương, Đăk Viên. Khu vực này mang tính chiến lược về quân sự cũng như chính trị của ta. Ở phía Bắc, sau lưng khu căn cứ là dãy núi Ngọc Linh hùng vĩ; phía Đông là căn cứ Khu ủy Khu 5; phía Tây và phía Nam đều là các vùng căn cứ kháng chiến thuộc H30, H80, H16 của tỉnh. Tuy phổ biến với địa hình núi cao, chia cắt mạnh; song đây cũng là nơi quỹ đất dồi dào, thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng lúa trồng mì tỉa bắp; đảm bảo lương thực phục vụ cán bộ bám cơ sở, hoạt động lâu dài.

Trong quá trình hoạt động tại khu căn cứ này, Tỉnh ủy Kon Tum đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ I, dưới chân núi Ngọc Ang, gần làng Mô Gia vào tháng 3/1960; tổ chức đại hội đại biểu lần thứ II vào tháng 10/1965, tại làng Đăk Viên. Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo công tác, chuẩn bị lực lượng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh (tháng 4/1972), giải phóng Kon Tum (tháng 3/1975).

Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 761/QĐ-UB ngày 02/8/2007.

Nhà lán được phục dựng tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy
Nhà lán được phục dựng tại Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy

Xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông được thành lập tháng 7 năm 2001 trên cơ sở chia tách xã Măng Xăng của huyện Đăk Tô (cũ). Là một trong số 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện Tu Mơ Rông, Măng Ri đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ trong quá trình xây dựng. Trở ngại nhất là kết cấu hạ tầng nghèo nàn, tập quán sinh hoạt lạc hậu, sản xuất mang nặng tính tự cấp tự túc... Đặc biệt, thiệt hại do cơn bão số 9 năm 2009 gây ra đã đặt Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương trước những thử thách khắc nghiệt.

Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và quyết tâm phát huy nội lực của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp cùng các tầng lớp Nhân dân, sau gần 10 năm kể từ trận hồng thủy lịch sử, xã Măng Ri đã cơ bản khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định và tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất và các mặt sinh hoạt, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Không chỉ đảm bảo canh tác gần 80 ha lúa nước Đông Xuân, gần 150 ha lúa nước vụ Mùa, duy trì hơn 100 ha đất rẫy chủ yếu trồng mì, tỉa bắp; đến nay, bà con các thôn, làng đã phát triển được trên 200 hecta cây cà phê catimo nhờ thực hiện Đề án Hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh. Trong đó, hơn 110 ha đã cho thu hoạch ổn định. Phát huy thế mạnh rừng và đất rừng, xã Măng Ri cũng đã trồng trên 320 ha bời lời, nhận khoán quản lý bảo vệ gần 1.800 ha rừng phòng hộ...

Lợi thế điều kiện tự nhiên và đặc thù thiên nhiên ưu đãi đã đưa Măng Ri trở thành địa bàn trọng điểm trồng loài cây “thuốc giấu” sâm Ngọc Linh đã được công nhận “Sản phẩm Quốc gia” và các loại dược liệu có giá trị kinh tế. Trong tổng diện tích gần 330 ha cây sâm Ngọc Linh được hình thành ở huyện Tu Mơ Rông, có hơn 300 ha trồng dưới tán rừng của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh và Công ty TNHH lâm nghiệp Đăk Tô, tập trung chủ yếu tại địa bàn xã. Măng Ri là xã đầu tiên được triển khai mô hình liên kết giữa Công ty CP Sâm Ngọc Linh với các hộ dân địa phương để trồng, chăm sóc, bảo vệ sâm Ngọc Linh. Mô hình tổ liên kết trồng sâm dây do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ xây dựng tại địa bàn xã đạt kết quả bước đầu, góp phần giúp chị em hội viên tăng thu nhập, giảm nghèo.

Nhờ nguồn vốn chương trình 30a, chương trình 135..., những năm gần đây, bà con xã Măng Ri cũng được hỗ trợ trồng hơn 10 ha cây Hồng Đẳng sâm (Sâm dây) và sâm Đương Quy; nâng tổng diện tích sâm dây tại đây lên 20 ha-chiếm  trên 60% tổng diện tích cây sâm dây của huyện.

Mặc dù chưa hết khó khăn, song đến nay, xã đã đạt 8/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; gồm tiêu chí về thủy lợi, trường học, y tế, văn hóa, bưu điện, chợ nông thôn,cơ cấu lao động, an ninh trật tự.

Không chỉ chăm lo phát triển cây cà phê xứ lạnh và các loại cây dược liệu để tăng thu nhập, giúp dân giảm nghèo bền vững; giờ đây, tiềm năng của vùng “địa linh” trong kháng chiến năm xưa còn được quan tâm khơi dậy trong định hướng phát triển kinh tế du lịch của tỉnh. Cùng với Di tích lịch sử cách mạng Căn cứ Tỉnh ủy, vẻ đẹp cuốn hút của những thửa ruộng bậc thang trải dài, những vườn sâm Ngọc Linh, sâm dây xa hút; vẻ đẹp của ngọn thác Đăk Dơn, suối Đăk Y Hai, của làng Pu Tá đậm đà bản sắc... đem đến cho Măng Ri sức sống mới trên chặng đường xây dựng và phát triển.

Hy vọng rằng, từ những nấc thang đã định hình hôm nay, vùng “địa linh” trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sẽ vững vàng đi lên trong công cuộc phát triển và hội nhập./.  

Nghĩa Hà

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo