Kon Tum đổi thay vùng chiến trường xưa

 Măng Bút là một trong số xã đặc biệt khó khăn ở vùng Đông Trường Sơn của huyện Kon Plông. Dòng sông Đăk Snghé từ Quảng Ngãi chảy vào địa bàn tỉnh Kon Tum, điểm đầu tiên thuộc địa bàn làng Đăk Lanh yên bình. 43 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, vùng chiến trường xưa đã đổi thịt thay da, không ngừng vươn tới ấm no, phát triển.

Khu vực sân bay cũ ở Măng Bút
Khu vực sân bay cũ ở Măng Bút

Ông A Dương ở làng Đăk Lanh, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch HĐND xã Măng Bút kể: Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Măng Bút được Mỹ- Ngụy xây dựng thành một trong số cứ điểm quan trọng ở vùng Đông Trường Sơn.Tại trung tâm Quận lỵ Măng Bút, một sân bay dã chiến được xây dựng phục vụ cơ động vận chuyển lực lượng và vũ khí, đạn dược của địch. Trên mặt đất, hệ thống đồn bốt dày đặc. Riêng hệ thống công trình quân sự đều được làm ngầm dưới lòng đất. Người dân Xê đăng ở Măng Bút bị dồn vào ấp chiến lược, sống cảnh “cá chậu chim lồng” cơ cực. Ở cứ điểm này, địch bố trí 500 quân thường trực, không chỉ được trang bị  pháo binh, mà còn có cả máy bay yểm trợ.

Từ Quận lỵ Măng Bút, địch liên tục đánh phá, gây khó khăn cho quân  ta trong việc vận chuyển vũ khí, khí tài, tiếp viện lương thực, thực phẩm phục vụ bộ đội ở chiến trường Kon Tum. Tương quan lực lượng đặt quân ta vào thế khó khăn, nan giải; chỉ cố gắng cầm cự, đánh các trận nhỏ, lẻ để phân tán lực lượng địch,chứ chưa thể “ giải quyết” dứt điểm căn cứ quan trọng này.

Với quyết tâm mở rộng và hoàn thiện vùng giải phóng, Bộ tư lệnh B3 và Tỉnh ủy Kon Tum chủ trương phải tiêu diệt cứ điểm Măng Bút vào giữa năm 1974.  Sau thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 11/6/1974, các lực lượng của ta gồm bộ đội địa phương và lực lượng chủ lực Sư đoàn 10 đồng loạt bao vây, áp sát, bắn máy bay và pháo kích khu trung tâm của địch; tiêu diệt các đồn, chốt vòng ngoài và gọi loa kêu hàng, tạo thế bao vây, uy hiếp địch.

Lực lượng của ta gồm  H29, H 80, H 16 và cụm 20 của Quân Khu 5 bao vây, bắn tỉa cả ngày lẫn đêm, kết hợp với pháo 82, pháo 80 uy hiếp xung quanh.Để giải phóng Măng Bút, ta còn có súng hạng nặng để tấn công tiêu diệt địch. Nhờ đó, chiều ngày 20/8/1974, chi khu, quận lỵ Măng Bút được giải phóng hoàn toàn.

Giải phóng Măng Bút tạo bàn đạp để giải phóng tỉnh Kon Tum, đồng thời giúp hàng ngàn người dân Xê Đăng nhánh Ca Dong ở khu vực này thoát khỏi ách kìm kẹp của chế độ cũ.

44 năm sau chiến thắng Măng Bút và 43 năm sau ngày giải phóng miền Nam, khu vực sân bay dã chiến của địch năm xưa đã trở thành tuyến đường xương sống nối trung tâm xã Măng Bút với các thôn, làng gần, xa. Di tích lịch sử cách mạng chiến thắng Măng Bút được đưa vào bài học của con em đồng bào vùng địch tạm chiếm ngày nào.

Ông Đinh Dân ở làng Long Rủa từng là cán bộ Huyện đội 29 tham gia bao vây địch ở quận lỵ Măng Bút góp phần giải phóng quê hương, không giấu nổi niềm vui khi chứng kiến cuộc sống đổi thay ở vùng cứ điểm quân sự ngày trước.    

Tháng 4 này, đi đến đâu trong 12 thôn, làng của xã, cũng gặp bà con nông dân say sưa cuốc cày, xuống giống lúa đồng.

Đồng bào xã Măng Bút phát huy thế mạnh sản xuất lúa nước
Đồng bào xã Măng Bút phát huy thế mạnh sản xuất lúa nước

Chủ tịch UBND xã Măng Bút Nguyễn Công Vĩnh cho biết: Đến nay, toàn xã đã ổn định canh tác trên 550 hecta lúa nước. Trong khi diện tích vụ đông xuân còn khiêm tốn với 20 hecta, thì vụ mùa chiếm ưu thế. Nhờ nguồn giống lúa  mới được cấp phát hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn của Nhà nước,  bà con nông dân đã dần thay thế giống lúa cũ dài ngày, hạt cứng, cơm khô bằng lúa ngắn ngày, gạo mềm, cơm thơm. Năng suất lúa cũng được nâng lên, đạt 32- 35 tạ/ hecta.Tuy vậy,giống gạo đỏ truyền thống thì vẫn được gìn giữ, phục vụ chế biến sản phẩm đặc trưng, đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng của Khu du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen.Không chỉ tập trung khai thác thế mạnh canh tác lúa nước và duy trì diện tích cây ngô, cây sắn; xã Măng Bút còn quan tâm chuyển mạnh sang trồng một số cây công nghiệp, cây dược liệu có giá trị hàng hóa như cà phê Catimo, Bời lời, Đinh lăng...; góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình.  Với tổng đàn trâu 1600 con, đến nay, bình quân, mỗi hộ ở Măng Bút có gần 2 con trâu. 9/12 thôn, làng của xã đã nhận khoán quản lý bảo vệ  hơn 3.700 ha rừng.

Những năm gần đây, đường Tỉnh lộ 676 dài hơn 40 km được đầu tư nâng cấp, thông suốt từ Măng Đen, qua Măng Cành, Đăk Tăng, vào Măng Bút tạo thuận lợi cho việc đi lại và thúc đẩy sản xuất, sinh hoạt của đồng bào địa phương. Năm 2014, tuyến đường 13 cây số từ trung tâm xã Măng Bút đến làng Đăk Lanh cũng được đầu tư kiên cố giúp địa phương giải quyết khó khăn về giao thông trên tuyến huyết mạch nối xã Măng Bút tại điểm cuối làng Đăk Lanh với huyện Tu Mơ Rông ở điểm đầu xã Ngọc Yêu.

Nhờ tập trung nguồn lực từ các chương trình, dự án của Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất,sinh hoạt của đồng bào địa phương, đến nay, hơn 75% số hộ dân của xã Măng Bút đã được hỗ trợ “ngói hóa” nhà ở.  Trên 50 % số tổng hộ đồng bào của xã đã mua sắm được tivi, sử dụng “chảo” để  bắt sóng theo dõi thông tin, giải trí. 11/12 thôn làng có sóng điện thoại di động.10/12 thôn làng có loa truyền thanh không dây…Tỷ lệ hộ nghèo tại địa bàn giảm xuống còn dưới 40% và phấn đấu mỗi năm tới, tiếp tục giảm 4-5% hộ nghèo.

Gần 44 năm sau chiến thắng Măng Bút, vùng quê hiếu học đã hình thành và phát triển 5 ngôi trường, gồm hai trường Phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở, hai trường tiểu học và một trường mầm non,mỗi năm thu hút gần 1.000 học sinh.

Thầy giáo A Hương được sinh ra và lớn lên ở làng Đăk Lanh vô cùng hạnh phúc được trở về  dạy dỗ con em đồng bào mình  ở điểm trường Tiểu học xã Măng Bút ngay tại làng. Phó chủ tịch UBND xã A Vinh cũng trưởng thành từ  mảnh đất quê hương Măng Bút giàu truyền thống cách mạng.

Ở đây, đồng bào địa phương luôn tự hào vì trải qua bao khó khăn thử thách, vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Xê đăng như tổ chức lễ hội dân gian, duy trì nghề rèn truyền thống...

Cho dù chưa hết khó khăn, xã Măng Bút vẫn ra sức huy động mọi nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh-kinh tế, hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững; phấn đấu tạo chuyển biến tích cực mọi mặt đời sống người dân trong những năm tới./.         

Nghĩa Hà

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo