Tháng Ba về ăn Tết làng ở Kon Tum

Khi cái nắng gay gắt của tháng 3 bắt đầu trải dài trên những rẫy nương, thì đồng bào Xê Đăng nhánh Xơ Dră ở xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà lại háo hức rộn ràng tổ chức “Pơ leh”, hay còn gọi là “Tết làng” theo phong tục truyền thống, cầu mong mưa thuận gió hòa để bà con chuẩn bị bước vào một mùa rẫy mới bội thu.

Vợ chồng chị Y Hoa chuẩn bị đồ ăn đón Tết làng
Vợ chồng chị Y Hoa chuẩn bị đồ ăn đón Tết làng

Năm nay, nhờ quanh năm làm ăn chăm chỉ, dư được cái ăn cái mặc nên đôi vợ chồng trẻ Y Hoa – A Tuân ở thôn Kon Jong chuẩn bị đón Tết làng tươm tất và đủ đầy hơn mọi năm. Tờ mờ sáng, Y Hoa đã tranh thủ dậy thật sớm để ngâm gạo nếp, nướng cơm lam,….các loại rau rừng như lá H’lăng, H’hminh cũng được chị nhanh chóng nấu cùng với gạo đã được giã nát, thành món cháo bột truyền thống.

Trong khi đó, anh A Tuân lại đảm nhận phần việc chế biến món thịt chuột, thịt sóc nướng lồ ô bẫy được từ rừng về. Còn có cả món cá nướng chấm với muối ớt giã cay nồng…để đãi khách ghé thăm nhà.

Chị Y Hoa cho biết: Trước khi tổ chức ăn tết làng thì tất cả mọi người trong làng, từng gia đình, phụ nữ đi hái lá H’hminh, lá H’nglăng, chặt mây,…còn đàn ông thì đi đặt bẫy, kiếm thịt sóc, chuột, mang,…bắt cá đem về nấu nướng, chế biến chung thành những món ăn truyền thống.

“Pơ leh” của đồng bào Xơ Dră thường được tổ chức theo từng gia đình và cộng đồng làng, vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3. Đây là khoảng thời gian nhàn rỗi khi bà con đã dọn xong nương rẫy, chờ đợi rẫy khô để chuẩn bị bước vào mùa rẫy mới. Đàn ông, thanh niên trong làng sẽ tranh thủ đi bẫy con sóc, con chuột,…đem về phơi khô làm thức ăn dự trữ trong gia đình. Đây cũng là dịp bà con, anh em họ hàng xa gần cùng đến gặp mặt chung vui sau một năm làm việc vất vả.

Dưới mái nhà rông cao vút, già A Lát cùng bà con dân làng đang chuẩn bị mọi thủ tục để làm lễ làng. Già nói: Hôm nay làng mình tổ chức lễ làng. Theo thông lệ truyền thống rồi, năm nào cũng tổ chức Tết làng, cùng nhau tập trung tại nhà rông, cùng làm đồ ăn, cùng đánh cồng chiêng, múa xoang và uống rượu ghè. Ngoài bà con trong làng, còn mời bà con làng bên về tham dự, chung vui luôn.

Thiếu nữ trong làng đảm nhận làm món cơm lam
Thiếu nữ trong làng đảm nhận làm món cơm lam

Sau khi đón tiếp khách đến thăm nhà, đúng vào 12 giờ trưa, bà con tiếp tục tập trung, quây quần tại nhà rông để tổ chức theo cộng đồng làng. Tùy vào điều kiện sau một năm thu hoạch của từng hộ gia đình mà mỗi nhà có thể chuẩn bị nhiều ống cơm lam, nhiều món ăn truyền thống bên cạnh ché rượu cần được đặt tại nhà rông.

“Tết làng ngoài tính chất là mừng năm mới, chúng tôi còn chúc nhau sức khỏe, làm ăn phát đạt, có lúa, có mì, được mùa, được giá. Ngoài ra cũng là giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, để con cháu sẽ noi theo”- Già A Lát cho biết thêm.

Sau khi già làng làm lễ cầu thần linh phù hộ, bà con lần lượt mời nhau thưởng thức rượu cần và các món ăn truyền thống do gia đình tự chuẩn bị như: đọt mây luộc, thịt sóc nướng, cháo bột, cá suối nướng, gỏi kiến chua,….không gian trở nên rộn ràng, náo nhiệt bởi những lời chúc nhau sức khỏe và một mùa rẫy thêm phần bội thu.

Khi hơi men rượu bắt đầu lan tỏa, cồng chiêng cũng bắt đầu nổi lên, mọi người cùng nắm tay nhảy múa quanh nhà rông theo nhịp điệu say nồng, bỏ qua những phiền muộn đã qua, mong ước một năm mới mùa màng bội thu.

Tháng 3 – Mùa lễ hội của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, vì thế “Pơ leh” càng trở nên có ý nghĩa hơn trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Xê Đăng nhánh Xơ Dră.

A Lê Khăm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo