Nét đẹp độc đáo nhà lúa ở vùng biên Đăk Blô

 Đăk Blô là xã vùng sâu, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Glei. Đồng bào dân tộc Giẻ (Giẻ - Triêng) ở đây làm ruộng nước lâu đời nên kho lúa đã trở nên quen thuộc như căn nhà thứ hai của mỗi người và gia đình. Theo tâm linh và tập quán sản xuất- sinh hoạt của bà con, nghi thức liên quan đến lễ cúng dựng nhà lúa ở vùng biên cơ bản có nhiều nét tương đồng với các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên, song cũng mang những nét riêng độc đáo.

Nhà lúa làm ở trên cao, gần đồng ruộng của người Giẻ ở Đăk Blô
Nhà lúa làm ở trên cao, gần đồng ruộng của người Giẻ ở Đăk Blô

Ở xã biên giới Đăk Blô, mỗi năm, đồng bào dân tộc địa phương chỉ  gieo cấy một vụ, từ tháng1 tháng 2 đến tháng sáu tháng bảy. Khi những cơn mưa cuối mùa càng thưa dần, đất trời biên cương như cao rộng hơn. Nắng và gió cũng vơi phần khắc nghiệt. Đi theo đường từ Đăk Pek, qua Đăk Nhoong vào Đăk Blô, Bung Tôn là làng đầu tiên của xã. Theo những con dốc nhỏ cách trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đăk Blô không xa, bắt gặp hai ba điểm định hình những nhà lúa tập trung.

Ông A Việt, 60 tuổi, ở làng Bung Tôn cho hay: Sống nhờ ruộng nước nên nhà lúa được bà con dựng lên theo từng nhóm hộ, trên những khu đất rộng và thoáng đãng. Nhà lúa làm ở trên cao để tránh gió, bão, nước lũ; không xa ruộng để tiện cho việc vận chuyển. Đó được xem như căn nhà sàn thu nhỏ, nhưng chỉ có một cửa duy nhất để đóng, mở. Tùy từng gia đình, mà diện tích sàn nhà lúa phổ biến 7-8 m2, hoặc rộng hơn. Nhà lúa được dựng trên 4 trụ gỗ chắc chắn, được đẽo gọt cẩn thận; cách mặt đất40-50cm. Tường và sàn được quây kín bằng gỗ ván.

Trước đây, mái nhà lúa được lợp bằng tranh; nhưng sau này, phần vì nguyên liệu trong tự nhiên ngày càng khan hiểm, phần vì để tiện cho việc bảo quản nên mái tôn trở nên thông dụng.“ Bí quyết” chống chuột hữu hiệu là dưới các trụ của nhà lúa, thường có các vòng tròn lớn bằng gỗ được đóng chắc vào mặt sàn. Chuột bị cản đường, không thể leo lên nhà lúa mà phá hại.

Được xem là căn nhà thứ hai của mỗi người, mỗi gia đình nên nhà lúa cũng được dựng lên một cách cẩn thận, kỹ lưỡng. Theo tâm linh và tập quán sinh hoạt của đồng bào Giẻ, nghi thức cúng nhà lúa mang nét độc đáo riêng. Ở chỗ kho lúa mới dựng, lễ cúng mang ý nghĩa tượng trưng. Chủ nhà đưa con heo đi vòng quanh kho mới dựng 7 vòng và cầu khấn; sau đó về nhà Rông của làng để tiến hành nghi lễ chính thức. Lễ vật để cúng chính thức không thể thiếu trâu hoặc  bò, song theo ông A Việt, nếu không đủ điều kiện cúng cả con, thì có thể lấy cái đầu, cái chân (còn cả da, lông) để dâng lên thần linh. Những bộ phận này của vật hiến sinh được buộc vào cây cây Nêu ở sân nhà Rông .

Một khu vực nhà lúa của bà con làng Bung Tôn, xã Đăk Blô
Một khu vực nhà lúa của bà con làng Bung Tôn, xã Đăk Blô

Gia chủ giã lúa mới, lấy gạo nấu cơm. Cơm chín được xúc ra một chiếc nia, sau đó đặt đầu heo đã làm sẵn, nấu chín lên đây; thêm một ghè rượu để dâng cúng. Không chỉ ở chỗ dựng kho lúa và nhà Rông, cúng nhà lúa còn được tiến hành  tại nhà của gia chủ, với phần lễ vật không thể thiếu là thịt chuột khô. Cúng xong, gia chủ và anh em bà con cùng chung vui. Điểm đáng chú ý, là thức ăn đồ uống cúng nhà lúa không dành cho những người ngoài họ hàng.

Bà Y Nhin, 64 tuổi, ở làng Bung Kon, xã Đăk Blô kể rằng,  hơn 40 năm từ khi lập gia đình, ra ở riêng đến giờ, vợ chồng bà chỉ có duy nhất một chỗ đặt nhà lúa ở gần vùng ruộng nước hơn 3 sào mà cả nhà gieo cấy. Trải bao nắng mưa,  từng bộ phận (tường , mái, sàn) nhà lúa hư đến đâu là được sửa đến đó. Lâu, nhà lúa cũ quá, hỏng nhiều mới phải làm lại. Không chỉ dùng để cất giữ lúa, đó còn là nơi để chứa các loại lương thực, thực phẩm như bắp, mì, hay bầu, bí, củ, quả… nên nhà lúa đồng thời cũng được xem như là cái kho hữu dụng của mỗi gia đình.

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số anh em vùng Bắc Tây Nguyên, nhà lúa ở xa nhà nhưng không lo bị mất cắp. Điều đó thể hiện tính cộng đồng rất cao và bản chất thật thà của bà con. Nhà lúa được làm cách xa chỗ ở cũng xuất phát từ mong muốn bảo quản, gìn giữ một cách tốt nhất nguồn sống của chính mình. “Chẳng may bị hỏa hoạn thì vẫn còn thóc lúa, lương thực, thực phẩm để ăn. Chứ dồn vào một chỗ, chẳng may bị cháy thì còn gì mà sống…” - Ông A Việt cho biết thêm.

Cũng như đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên, người Giẻ trân quý nhà lúa chẳng khác nhà sàn, nhà rông của mình. Theo tâm linh và tín ngưỡng từ xưa, nghi lễ cúng kho lúa được giữ gìn, truyền từ đời này sang đời khác. Cho dù  thể thức có ít nhiều thay đổi, song ngày nay, tinh thần tôn kính Mẹ Lúa, coi trọng lao động vẫn lan tỏa, như chính niềm tin và ý nguyện về cuộc sống tốt đẹp của mọi người./.

Nghĩa Hà

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo