Lễ ăn lúa mới của người Xê Đăng ở Kon Tum

 Cứ mỗi vào dịp cuối năm, khi những hạt lúa rẫy trĩu nặng phủ sắc vàng óng, trải dài trên khắp nương đồi cao thì người Xê Đăng lại rộn ràng chuẩn bị tổ chức lễ ăn lúa mới. Đây là phong tục truyền thống từ bao đời nay trong cộng đồng người Xê Đăng, để tổng kết mùa màng sau một năm làm việc vất vả đã qua. Đồng thời mong ước sức khỏe, ruộng rẫy tốt tươi, thóc lúa đầy bồ trong những vụ mùa năm sau.

Dân làng dựng cây nêu chuẩn bị cho Lễ ăn lúa mới
Dân làng dựng cây nêu chuẩn bị cho Lễ ăn lúa mới

Ngay từ sáng sớm, gia đình anh A Năng ở làng Đăk Rơwăng, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà đã bận rộn chuẩn bị cho lễ ăn lúa mới. Giã ít lúa chín vàng vừa gặt trên rẫy về, vợ chồng anh nhanh chóng nấu cơm mới và chế biến một số món ăn đậm truyền thống để đón anh em, bà con và khách quý đến ăn lúa mới cùng gia đình.

Để tổ chức lễ ăn lúa mới, ngay từ đầu tháng 10, trước khi bước vào mùa gặt lúa rẫy, anh Năng đã phải đi rừng để đặt bẫy chuột, chim, sâu lồ ô,…bắt cá suối về treo trên gác bếp, hong khô dần. Vợ anh thì hái rau rừng, thu hoạch bầu bí dự trữ sẵn trong nhà để dùng dần. Trước đó, gia đình anh còn nấu sẵn vài ghè rượu cần để mời khách đến thăm và mang lên nhà rông cùng chung vui với bà con trong ngày lễ hội.

“Mỗi dịp ăn lúa mới theo phong tục cha ông ta để lại là trước hết phải có gạo, rau, quả, thịt chuột, cá để ăn ngày lễ được vui, dù ít hay nhiều. Cứ tháng 10 hàng năm phải làm lễ ăn lúa mới thoe phong tục của dân tộc mình”- Anh A Năng chia sẻ.

Cũng như gia đình anh A Năng, vợ chồng anh A Băk cũng rục rịch chuẩn bị đồ ăn từ sáng sớm. Những ống cơm lam nóng hổi và thịt rừng thơm nức mà gia đình anh chế biến đã sẵn sàng bày biện đón anh em, bà con họ hàng về chung vui cùng gia đình. Cùng với rẫy lúa rẫy mì, năm nay, vườn cà phê của gia đình anh A Băk cũng bắt đầu cho thu hoạch, vợ chồng anh đón lễ ăn lúa mới cũng thêm phần phấn khởi hơn. 

Anh A Băk nói: “Hàng năm không thể bỏ, phải làm tục ăn lúa mới. Kinh tế gia đình năm nay không thu được nhiều những cũng có thu được 10 bao lúa, trồng mì cũng thu được ít, các con vẫn đi học đầy đủ. Thôn trưởng, thầy cô giáo cũng luôn động viên gia đình cố gắng làm ăn để có cơm, gạo cho con ăn học và để giúp gia đình có kinh tế phát triển hơn".

Theo phong tục truyền thống của người Xê Đăng ở xã Đăk Pxi, lễ ăn lúa mới thường diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên, đàn ông thanh niên trong làng phải lên rừng để chặt cây tre cây nứa làm cây nêu và đan một số vật dụng khác. Ngày thứ hai, buổi sáng, mỗi gia đình sẽ tự tổ chức lễ ăn mới tại nhà, tham gia dựng cây nêu và tổ chức lễ hội tại nhà rông từ buổi trưa cho đến khi đêm tàn. Và ngày cuối cùng, đội cồng chiêng của làng sẽ được cử đến từng hộ gia đình để xin thức ăn dự trữ như thịt chuột, chim, cá khô, rau rừng,…mang về nhà rông để bà con dân làng chế biến món ăn, uống rượu, chúc nhau mùa màng bội thu.

Hiện tại, để tiết kiệm thời gian và đảm bảo sức khỏe, bên cạnh giữ gìn lại nét phong tục riêng độc đáo của lễ ăn lúa mới, bà con người Xê Đăng đã ý thức thực hiện rút gọn, tổ chức ngày lễ từ khâu chuẩn bị cho đến khi kết thúc trong khoảng 1 - 2 ngày mà thôi.

Gia đình đón nia lửa mới cầu năm mới mùa màng bội thu
Gia đình đón nia lửa mới cầu năm mới mùa màng bội thu

Trong lễ ăn lúa mới của người Xê Đăng ở Đăk Pxi, không thể thiếu nia lửa của làng. Nia lửa được những người đàn ông, thanh niên Xê Đăng đan bằng tre nứa chặt đem từ rừng về, được dùng trong nghi thức đón nia lửa mới. Nếu như lễ ăn lúa mới của làng phải có cây nêu, thì mỗi gia đình phải đón nia lửa mới vào nhà. Đây là nghi thức vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người Xê Đăng, mang ý nghĩa tượng trưng cho tinh thần đoàn kết một lòng, sức mạnh, sự ấm áp và no đủ của từng hộ gia đình, của cả làng cho vụ mùa mới đến.

Lửa thắp trên nia được lấy từ bếp lửa vị đứng đầu của làng và chính già làng là người đi đầu để mang nia lửa mới đến với từng hộ gia đình, nia lửa mang đến hộ gia đình nào thì chủ hộ sẽ ra đón lấy mang vào nhà. Sau đó lấy ít trấu từ hạt lúa mới đã giã bong ra của gia đình mình cho vào nia lửa để cầu mong điều tốt đẹp.

Quá trưa, nhà nào nhà nấy đã sắp xếp sẵn vị trí đặt ghè rượu của gia đình mình, thức ăn cũng đã được bày biện đem lên để mời bà con dân làng cùng thưởng thức. Trong không khí náo nhiệt của lễ hội, mọi người cùng mời nhau can rượu ghè say nồng với lời chúc cho nhau sức khỏe, mùa màng bội thu và cuộc sống luôn no đủ.

Ông A Phươk - Thôn trưởng Đăk Lâp, xã Đăk Long cho biết: “Theo phong tục ăn lúa mới thì phải luôn biết và giữ gìn những gì mà truyền thống cha ông ta đã để lại, biết làm ăn kinh tế như trồng cà phê, cao su, lúa, mì để có cái ăn no đủ trong gia đình”.

Cùng với những lo toan cuộc sống hàng ngày, lễ ăn lúa mới vào dịp cuối năm trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người Xê Đăng. Đây là khoảng thời gian bà con dành ra để tự thụ hưởng thành quả làm ra sau một năm lao động vất vả. Đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tạo niềm tin và động lực vào một tương lai ấm no hơn./.

Dương Nương

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo