Kon Hngo Ktu bên dòng sông Đăk Bla

 Kon Hngo Ktu là một trong số ba làng đồng bào dân tộc Ba Na của xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum. Nằm bên bờ sông Đăk Bla, cách trung tâm phố thị không xa và từ đây ra khu vực lòng hồ Ya Ly theo đường thủy cũng khá gần, nơi này mang dáng vẻ rất riêng, bình yên và thân thiện.

Bến sông Kon Hngo Ktu yên bình
Bến sông Kon Hngo Ktu yên bình

Kon Hngo Ktu mang tên nét đặc trưng của làng xưa. Thuở ấy, mảnh đất bên bờ sông ĐăkBla có nhiều cây Thông; tiếng BaNa, Hngo là cây Thông. Người già kể rằng, thông mọc dày như rừng; tuy diện tích nhỏ, nhưng mùa khô thì cho bóng mát, mà mưa bão lại ngăn những cơn gió lớn từ dòng Đăk Bla thổi vào. Theo thời gian và sự mở mang nơi ăn chốn ở của dân làng, Thông không còn nữa, vết xưa chỉ còn lại lác đác một vài gốc cổ thụ.

Người Ba Na ở Kon Hngo Ktu đã mấy đời bám đất, bám sông mà sinh sôi, phát triển. Không chỉ sống với nương rẫy và đất ô nà màu mỡ phù sa, bà con còn nhờ nguồn cá tôm dồi dào đánh bắt trên sông nước. Ngày trước, Kon Hngo Ktu từng khá nổi tiếng với nghề đẽo thuyền độc mộc. Bây giờ, tuy không còn những nghệ nhân lành nghề vì nhiều lý do, dân làng vẫn chung tay giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống trong đời sống cộng đồng.

Ở Kon Hngo Ktu, anh em ông A Lêr, A Grát được biết đến là những người vừa giỏi làm ăn, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc; vừa biết chăm lo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vốn quý tinh thần mà cha ông để lại. Ông A Grát kể: Ngày trước, theo phong tục của người Ba Na, ông kết duyên nên về “ở rể” gia đình vợ; siêng năng, tốt bụng, lại giỏi làm rẫy, đánh cá nên vợ chồng ông được cha mẹ yêu quý, tin cậy giao cho căn nhà sàn “nhiều tuổi” và bộ cồng chiêng lâu đời. Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hậu quả chiến tranh còn dai dẳng, cuộc sống có những lúc vô cùng khó khăn, thiếu thốn; song ông đã nhất quyết không rời nhà sàn, không bán cồng chiêng để lấy vốn làm ăn. Ông nhớ lời cha, dù thế nào cũng đừng bỏ mất của cải của ông bà cho con cháu. Gần đây, có người săn lùng cổ vật, nài nỉ mua bộ cồng chiêng với giá hàng chục triệu đồng, ông vẫn không hề mờ mắt. “Mình siêng năng, chịu khó làm lụng thì dành dụm được, chứ làm gì phải bán vốn quý của ông bà đi. Bây giờ, có tiền cũng đâu có thể mua được những thứ này!” - Ông A Grát giãi bày.

Ông A Grát (bên phải) giữ gìn bộ cồng chiêng quý
Ông A Grát (bên phải) giữ gìn bộ cồng chiêng quý

Nhờ tận tâm giữ gìn và thường xuyên tu bổ nên đến giờ, ngôi nhà sàn của gia đình ông A Grát vẫn là một trong số căn nhà truyền thống đẹp nhất của người Ba Na ở xã Vinh Quang. Bộ cồng chiêng quý gồm 3 chiếc cồng và 8 chiếc chiêng là tài sản vô giá, kỷ vật thiêng liêng không chỉ được người trong gia đình sử dụng, mà còn góp vui trong các lễ hội, sự kiện của làng, của xã.    

Không như những người, vì qúa khó khăn hoặc mải chạy theo cuộc sống hưởng thụ mà đổi cả cồng chiêng, nhà sàn...; khi đã có “bát ăn bát để”, ông A Lêr nghĩ ngay đến việc dựng lại ngôi nhà sàn cho con cho cháu. Tuy không được theo nguyên mẫu, song ngôi nhà sàn khang trang giữ kết cấu kiến trúc truyền thống đã trở thành điểm đến thu hút mọi người mong được khám phá và trải nghiệm sinh hoạt của đồng bào BaNa làng Hngo Ktu.

Không chỉ giỏi đan lát, thạo đánh chiêng, ông A Lêr còn cùng với nghệ nhân A Khun nổi tiếng cồng chiêng trong làng cùng các nghệ nhân cao niên tổ chức dạy cồng chiêng, múa xoang cho thanh thiếu niên. Kon Hngo Ktu không còn nhiều gia đình giữ được cồng chiêng, song bà con cũng đã đóng góp để mua một bộ cồng chiêng chung, nên bất cứ khi nào cần dùng cũng không lo phải chạy vạy đi mượn. Theo nghệ nhân A Khun, đến nay, cùng với các nghệ nhân múa xoang, làng đã gây dựng được 2 đội cồng chiêng gồm đội nam và đội nữ, mỗi đội từ 12 đến 14 thành viên. Đó còn chưa kể đội nghệ nhân “nhí” của Trường THCS Trần Khánh Dư và Trường Tiểu học Trần Quốc Toản đứng chân tại địa bàn đều do các nghệ nhân của làng truyền dạy, hướng dẫn tập luyện...

Nghệ nhân A Ươm làm nhà rông mô hình
Nghệ nhân A Ươm làm nhà rông mô hình

Hơn 10 năm trước, nhà rông Kon HNgo KTu đã được phục dựng theo kiến trúc truyền thống nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền, những người có uy tín và bà con dân làng. Trong đó, đóng góp của ông A Ươm trong vai trò không chỉ vận động dân làng đồng lòng ủng hộ, mà còn vừa thiết kế, vừa tổ chức thi công nhà rông đã được ghi nhận.Ông A Ươm nguyên là giáo viên, hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Vinh Quang, là một trí thức người Ba Na được dân làng Hngo Ktu kính trọng, yêu mến. Kể từ khi nghỉ hưu, ông dành thời gian tìm tòi, chế tác nhà rông bằng mô hình thu nhỏ, lưu giữ nét đẹp đáng tự hào của dân tộc trong hiện vật làm quà lưu niệm.

Song hành với con người và những vùng đất bên sông Đăk Bla hiền hòa, làng Kon Hngo Ktu đang vững bước đi lên trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.Tiếp bước thế hệ già A Đa, A Nơng...ngày trước là các ông A Khun, A Lê, A Grát..., các bà Y Phưn, Y Pheng...bây giờ và  lớp trẻ Y Liên, A An, A Rát... đang ra sức giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của cha ông./.

Nghĩa Hà

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo