Bình yên làng Kon K’Tu Kon Tum

 Là một trong nhiều làng du lịch của tỉnh nói chung và của thành phố Kon Tum nói riêng, nhưng làng du lịch Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa được nhiều người biết đến bởi sự lâu đời, cổ kính có phần hoang sơ so với các làng đồng bào dân tộc thiểu số khác.

Ngôi nhà rông của làng
Ngôi nhà rông của làng

Từ đường Đào Duy Từ rẽ vào đường Bắc Kạn, rồi cứ thế phóng xe bon bon qua cầu treo Kon K’lor – cây cầu sắt màu đỏ, từng được nhiều du khách ví von là chiếc võng sắt của Tây Nguyên; qua cầu chừng hơn 200m, rẽ trái và thế là chỉ có 1 con đường độc đạo để vào Kon K’Tu, cứ thủng thẳng mà đi để ngắm 2 bên đường bạt ngàn màu xanh của những ruộng lúa, bãi mía và cả dòng sông Đăk Bla uốn lượn ôm chặt lấy chân núi. 

Con đường thảm nhựa phẳng lỳ dài chừng hơn 5 cây số, đi tà tà nên phải mất gần 30 phút chúng tôi mới đặt chân tới làng. Cũng lâu lâu rồi tôi chưa trở lại, con đường như hẹp hơn bởi nhiều ngôi nhà kiên cố mọc lên. Kinh tế phát triển và cả theo người dân thì "rừng càng ngày càng xa" nên Kon K’Tu không còn nhiều nhà sàn như ngày xưa nữa.

Vừa "trúng cử" chức Trưởng thôn được mấy tháng, ấy thế mà hỏi chuyện to, chuyện nhỏ của thôn, anh A Biuh (sinh năm 1971) kể vanh vách: "Năm vừa rồi thôn giảm được 4 hộ nghèo; hiện còn 42 hộ nghèo nữa trong tổng số 126 hộ. Năm nay dân làng tiếp tục bảo nhau làm ăn, phấn đấu sao giảm được thêm mấy hộ nghèo nữa, ít thì cũng phải bằng năm ngoái còn hơn thì càng mừng. Cả thôn có trên 400 ha đất để sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng mỳ và lúa; trong thôn có 2 đứa học Đại học, Cao đẳng rồi đấy" - Vừa nói anh A Biuh vừa cười hỉ hả, tự hào ra mặt.

Anh A Biuh cho biết thêm: Cách đây 15 năm rồi - từ năm 2002, thôn Kon K’Tu được nhiều người biết đến và trở thành làng du lịch nổi tiếng của thành phố nên đời sống của bà con cũng khấm khá hơn dần theo bởi các dịch vụ đi kèm như homestay, đó là thay vì du khách lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ thì họ sẽ được ngủ tại nhà dân, ăn uống chung và tham gia một số sinh hoạt cùng với gia chủ như làm nương, làm rẫy, bắt cá...; đi kèm du lịch homestay là các dịch vụ nấu ăn với các món ăn do du khách yêu cầu, chủ yếu là các món đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa như thịt gà nướng chấm muối é, rượu cần, cơm lam, cá suối nướng, lá mì...; rồi đánh cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên...

Ngôi nhà sàn dành cho khách lưu trú của gia đình chị Y Na
Ngôi nhà sàn dành cho khách lưu trú của gia đình chị Y Na

Là 1 trong 2 hộ làm du lịch theo kiểu homestay bài bản nhất trong thôn, vợ chồng chị Y Na và anh A Ben có cả một cơ ngơi rộng rãi với 2 ngôi nhà liền kề: một xây theo kiểu nhà truyền thống của người kinh: nhà cấp 4 ba gian lợp ngói; một nhà được làm theo kiểu nhà truyền thống của người Ba Na đó là nhà sàn với tất cả các nguyên vật liệu được lấy từ rừng về như mái lợp tranh; vách, sàn, cửa được làm bằng những cây lồ ô để nguyên ống hoặc chẻ đôi cũng có khi được đập dập đan họa tiết; cầu thang được làm bằng cây rừng để thô mộc...

Vừa sắp xếp lại đồ đạc trong phòng lưu trú của một du khách người Pháp mới trả phòng, chị Y Na vừa nói: Được Công ty Du lịch của tỉnh giới thiệu nên gia đình chị 1 tháng trung bình cũng có 30 - 50 lượt khách tới lưu trú. Khách tới đây chủ yếu là đến từ nước Pháp, Ý và Bỉ. Họ thích ngủ ở nhà sàn và ăn các món ăn của người đồng bào mình. Ban ngày thì thích đi chèo thuyền trên sông Đăk Bla, đi làm rẫy với gia đình mình. 3 đứa con ngoài đưa khách du lịch đi tham qua một số địa danh trong tỉnh còn phụ giúp ba mẹ hướng dẫn khách khi lưu trú dịch vụ homestay.

Phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm lúc nông nhàn
Phụ nữ trong làng dệt thổ cẩm lúc nông nhàn

Chia tay nhà chị Y Na, chúng tôi bỏ xe tại nhà rông và cuốc bộ theo các con đường bê tông sạch sẽ được làm từ chương trình 135, chương trình nông thôn mới chạy dài, len lỏi vào từng nhà. Tôi nghe tiếng lạch cạch của khung dệt đâu đây. Và đây rồi, không xa nhà rông là mấy, ngôi nhà sàn nhỏ làm hoàn toàn bằng gỗ, lồ ô và nứa chỉ chuyên để dệt thổ cẩm của chị em trong làng những lúc nông nhàn, rảnh rỗi việc nhà nằm khiêm nhường dưới bóng cây. Gọi là nhà sàn nhưng sàn làm rất thấp, cầu thang chỉ 2-3 bậc là tới sàn. Tôi ngó đầu vào, vừa dứt lời chào, mấy cô, mấy chị và cả mấy em gái đã nhanh nhảu mời chào, cười khúc khích: Vào đây, có muốn dệt thử không? Nhìn thì thấy có vẻ dễ đấy, nhưng dệt được một tấm thổ cẩm có hoa văn, họa tiết thì đòi hỏi cả một kỹ thuật điêu luyện, khéo léo, công phu và đặc biệt là sự kiên trì, nhẫn nại.

Trời đã xế chiều, mặt trời bắt đầu luồn xuống sau núi, chúng tôi chạy dọc bờ sông Đăk Bla với bãi cát trắng trải dài lổm nhổm những viên đá cuội to như quả trứng gà, trứng vịt. Nước sông trong veo, mát rượi, muốn được hòa mình như thời ấu thơ quá. Bao mệt nhọc lo toan, bao gánh nặng cuộc đời giờ đây dường như không còn nữa...

Tiếng chuông nhà thờ đổ từng hồi vang ra từ giữa làng. Chiều muộn rồi. Khói bếp củi đã bay ra từ những nóc nhà. Người dân ở đây vẫn giữ thói quen đun bếp củi mặc dù hầu như nhà nào cũng có bếp ga. Họ bảo nấu bếp củi cơm ngon hơn và ấm cúng hơn. Nhìn khói chiều bảng lảng, cảm giác nhớ quê hương ùa về. Tôi thấy mắt mình cay cay...

Chia tay Kon K'Tu, chúng tôi lên xe trở về mà lòng cứ trào dâng niềm lâng lâng khó tả. Bình yên quá Kon K'Tu ơi !

Dương Nương

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo