Thơm ngon ẩm thực nấu ống lồ ô của Người Kon Tum

 Không quá cầu kỳ trong cách chế biến, không kén chọn nguyên liệu, nhưng các món ăn được nấu trong ống lồ ô luôn giữ được hương vị đậm đà, nguyên gốc của thực phẩm nên ẩm thực nấu ống lồ ô ngày càng được nhân rộng, vượt qua cổng làng để đi vào các nhà hàng, khách sạn, bữa tiệc hiện đại…

Trong Lễ hội của ĐBDTTS ở Kon Tum không thể thiếu món cơm lam
Trong Lễ hội của ĐBDTTS ở Kon Tum không thể thiếu món cơm lam

(gạo nếp ngâm vài tiếng trước khi nấu và cho vào ống lồ ô đun trên bếp lửa)

Với đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, lồ ô có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống, nó được dùng làm ra các loại nhạc cụ, chế tạo ra các dụng cụ lao động, sản xuất và lồ ô còn có một chức năng rất quan trọng nữa là loại xoong nồi đặc biệt trong đời sống của người dân không những trước đây mà còn cả bây giờ ngay khi mà các vật liệu như gang, nhôm, I nốc rất phổ biến.

Già làng A Hiuh (làng Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) cho biết: Ngày xưa, cuộc sống khó khăn, các loại dụng cụ để chế biến thức ăn như xoong, nồi, chảo… không phong phú như bây giờ nên đồng bào DTTS đã biết tận dụng loại nguyên liệu sẵn có trong rừng để nấu thức ăn đó là ống lồ ô. Vả lại, công việc làm nương, làm rẫy nay đến cánh rừng này, mai đi cánh rừng khác cũng không tiện cho việc mang vác các dụng cụ nhà bếp đi theo nên dùng lồ ô để nấu ăn là rất phù hợp. Đi đến đâu thì chỉ cần phát lấy vài cây lồ ô, xuống suối lấy nước là có thể nấu cơm, nấu canh cho cả nhà ăn được rồi.

Lồ ô được dùng để nấu ăn phải được lựa chọn kỳ càng, yêu cầu không được quá già mà cũng không quá non, thân thẳng, dóng dài và phần ruột rỗng phải lớn để chứa được nhiều thức ăn. Ngày trước, các món ăn phổ biến của người dân là cơm lam, canh rau rừng, cá suối, thịt rừng…nói chung là những nguyên liệu ngoài gạo phải gieo trồng thì còn lại hầu hết là kiếm ở trong rừng, bắt được dưới suối. Công việc nấu nướng này là của đàn bà, con gái trong nhà.

Cơm lam được cắt thành từng khúc ngắn đặt lên mâm cơm trong Lễ hội của ĐBDTTS Kon Tum
Cơm lam được cắt thành từng khúc ngắn đặt lên mâm cơm trong Lễ hội của ĐBDTTS Kon Tum

Trong các món ăn truyền thống của đồng bào DTTS được nấu từ ống lồ ô có thể kể đến những món như cơm nướng ống (cơm lam) được nấu từ loại gạo nếp trồng trên rẫy nướng trên than hồng khi chín có vị dẻo, thơm quyện lẫn vị ngọt, mùi thơm của ống lồ ô, khó có món cơm nấu từ nồi, chõ nào ngon sánh được. Rồi món canh thụt được nấu từ gạo, cà đắng, lá bép, đọt mây, cá suối… khi ăn có vị đắng của cà và đọt mây, vị béo của cá, vị bùi bùi gạo; rồi món lá mì nấu cá suối…Với cách chế biến không cầu kì, không cần nêm nếm quá nhiều gia vị mà khi thưởng thức chỉ cần chấm thêm chút muối, ớt, lá é là đủ. Chính vì thế mà món ăn được nấu từ ống lồ ô luôn giữ được hương vị nguyên gốc, thuần khiết, mang hương vị đặc trưng rất riêng, luôn cuốn bất kỳ ai khi đã một lần được thưởng thức.

Dù không cầu kỳ trong chế biến, nhưng nấu nướng trong ống lồ ô lại  là cả một nghệ thuật, khi nấu, một đầu ống được dựng nghiêng lên, phải canh lửa, tính toán thời gian hợp lý, trở đều tay để thức ăn chín đều và không bị cháy, khi đổ ra bốc lên mùi thơm phức rất đặc trưng của từng loại nguyên liệu…Thế nên, chỉ có những bàn tay khéo léo của các bà, các chị mới cho ra những món ăn ngon từ những thứ nguyên liệu bình dị và cả dụng cụ nấu ăn cũng rất đỗi giản đơn này.

Vì món ăn được nấu trong ống lồ ô luôn giữ được hương vị tự nhiên, nguyên gốc nên nó có sức hấp đặc biệt với nhiều người từ nơi khác đến, thậm chí cả du khách nước ngoài. Vì thế mà ẩm thực lồ ô bây giờ đã vượt qua khỏi không gian mỗi làng, đi vào trong thực đơn của rất nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn. Các món ăn nấu trong ống lồ ô cũng phong phú hơn, ngoài những món truyền thống bình dị còn có cả nguyên liệu hiện đại như dê, bò… chỉ có điều hương vị đặc trưng của thức ăn nấu bằng loại cây rừng này thì vẫn không có gì sánh nổi. Cùng với rượu cần, các món ăn nấu bằng lồ ô giờ đã trở thành nét đặc trưng không thể bỏ qua của mỗi du khách khi đến với Kon Tum trong lựa chọn thưởng thức ẩm thực cho mình./.

Dương Nương

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo