Sáo Tà Vẩu của người Mơ Nâm ở Kon Tum

 Tà Vẩu hay còn gọi là K’Vó - là một loại sáo, một loại nhạc cụ truyền thống cổ vô cùng độc đáo của người Xê Đăng nhánh Mơ Nâm ở Kon Plông. Tiếng sáo ngân vang hòa cùng âm vang cồng chiêng tạo nên bản hòa tấu vừa trầm hùng, vừa réo rắt, mời gọi lữ khách phương xa ghé thăm.

Thanh niên trai, gái trong làng tập trung tại nhà Rông thổi Tà Vẩu
Thanh niên trai, gái trong làng tập trung tại nhà Rông thổi Tà Vẩu

Nghe già A Lễ ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành thổi lên âm thanh ngân vang từ ống sáo nhỏ bé, mới hiểu được lý do tại sao Tà Vẩu lại đặc biệt đến thế. Tuy chỉ là một ống sáo rất nhỏ, nhưng khi được thổi lên, Tà Vẩu lại có thể phát ra âm thanh réo rắt, vui nhộn, khiến người nghe vô cùng thích thú và tò mò. Cùng với cách hòa âm, hòa phối độc đáo từ cồng, chiêng, trống và cả tiếng đàn T’rưng đặc trưng của người Xê Đăng nhánh Mơ Nâm, tiếng sáo Tà Vẩu lại càng thêm bay bổng khắp vùng núi Đông Trường Sơn.

Già A Lễ cho biết: Tà Vẩu là một nhạc cụ trong lúc đánh cồng chiêng thì không thể thiếu, khi cồng chiêng vang lên thì Tà Vẩu phải có, nếu mà thiếu Tà Vẩu thì cũng không được. Cho nên dân tộc ở đây thường dùng lúc làm nhà mới, ăn lúa mới thì cồng chiêng phải nổi lên, để gọi là có cái hồn của người dân tộc ở đây.

Tà Vẩu là một đoạn thân ngắn làm bằng cây nứa già, được Xê Đăng nhánh Mơ Nâm dùng sáp ong và đục đẽo trên thân để có thể phát ra âm thanh. Chính vì có hình dáng đặc biệt mà Tà Vẩu có 2 cách dùng khác nhau: thổi ngang hoặc hút dọc. Để thổi được Tà Vẩu đòi hỏi người thổi phải có sức khỏe và làn hơi tốt, có thể vừa thổi vừa hút tạo nên âm thanh theo giai điệu, điều tiết theo nhịp điệu hoặc tiết tấu của dàn cồng chiêng, mang cảm xúc đến với người nghe, người bạn gần xa.

“Khi cồng chiêng nổi lên nếu không có Tà Vẩu thì mình nghe trong đó cảm thấy nó không âm vang, người ta nghe cũng thấy không hay. Nhưng nếu có Tà Vẩu thì người ta nghe thích thú, họ cười nói, tâm sự, giao duyên với nhau, như là phụ hòa cho cồng chiêng hay hơn. Có Tà Vẩu thì người ta đến lễ hội đông vui hơn, mời khách khứa đến uống rượu, cùng thưởng thức tiếng Tà Vẩu” - Già A Lễ cho biết thêm.

Tà Vẩu là loại nhạc cụ truyền thống cổ của người Xê Đăng nhánh Mơ Nâm mà chỉ có người đàn ông mới biết thổi. Tiếng Tà Vẩu khi nổi lên là lời réo gọi, mời mọc bạn bè, dân làng gần xa cùng đến chung vui trong ngày hội. Có khi được các chàng trai thổi lên để mời gọi bạn gái, người mình yêu thương đến nhảy múa, hát giao duyên, tìm hiểu nhau, nên duyên chồng vợ, như ông A Nuông và bà Y Brô là một ví dụ.

Ông A Nuông tâm sự: “Hồi xưa, nhiều cặp vợ chồng nên duyên trong lễ hội đâm trâu hoặc là ăn lúa mới, làm nhà mới. Tôi và vợ tôi cũng thế, lúc đó tôi mới tập thổi Tà Vẩu, rồi cùng nhau nhảy múa, uống rượu, quen nhau rồi thành vợ thành chồng”.

Ngượng ngùng nghe chồng thổi sáo, bà Y Brô vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc như khi lần đầu tiên được nghe chàng thanh niên A Nuông thổi Tà Vẩu. Chính vì mê tài nghệ của ông mà bà đã đem lòng cảm mến và trở thành người bạn đời của ông. “Khi mà nghe tiếng thổi Tà Vẩu của người con trai, nghe tiếng thổi hay thì rất muốn được làm quen, gần gũi với nhau, có cơ hội để có thể đến với nhau” – Bà Y Brô chia sẻ.

Mặc dù hiện nay Tà Vẩu không còn được sử dụng thông dụng trong các ngày lễ hội như trước kia, nhưng nó cũng cuốn hút nhiều người trẻ mỗi khi có dịp được nghe những người già thổi lên. Hay đơn giản chỉ là muốn học hỏi từ cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Anh A Dũng - một người dân thôn Kon Chênh nói: “Thế hệ bây giờ nhất là thanh niên rất là yêu thích nhạc hiện đại, vì vậy chúng tôi cố gắng vận động thanh niên để làm sao duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc mình không  để mai một trong đó có Tà Vẩu.

Cùng chung tình yêu với các loại nhạc cụ dân tộc, chị Y The - thôn Kon Chênh, xã Măng Cành phấn khởi cho hay: “Bản thân tôi tham gia đội cồng chiêng thì thấy âm thanh Tà Vẩu rất là hay. Các ông già thổi mình nghe thấy vui tai, rất hay. Cũng nhờ có tiếng Tà Vẩu mà tôi và lớp thanh niên trẻ hào hứng tham gia vào đội cồng chiêng, múa xoang”.

Tháng ba về - Mùa của những lễ hội truyền thống trên vùng núi Kon Plông mát lành như đang vẫy gọi. Say trong men rượu nồng nàn là tiếng sáo Tà Vẩu ngân vang réo rắt, níu kéo bước chân mỗi người khách phương xa khi ghé đến vùng đất giàu bản sắc văn hóa và độc đáo này./.

A Lê Khăm

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo