Nét đẹp lễ hội đua thuyền độc mộc truyền thống ở Kon Tum

Được tổ chức quy mô cấp tỉnh lần đầu tiên vào năm 2000, nhân dịp đón xuân Canh Thìn, đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla đã trở thành lễ hội truyền thống mừng Đảng,mừng Xuân hàng năm của tỉnh Kon Tum. Từ hoạt động bình thường có từ lâu đời trong đời sống, sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, đua thuyền độc mộc đã để lại dấu ấn riêng, mang đậm bản sắc thể thao-văn hóa vùng Bắc Tây Nguyên, không chỉ thu hút sự quan tâm của Nhân dân trong tỉnh, mà còn gọi mời du khách gần xa.

Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla Xuân Đinh Dậu
Lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla Xuân Đinh Dậu

Nhiều năm học tập và làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, những năm gần đây, có dịp về quê sum họp, đón năm mới cùng gia đình, năm nào, anh Lê Hồng Vinh ở tổ dân phố 7, phường Thắng Lợi cũng dành thời gian đến xem lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Đăk Bla. “Dòng Đăk Bla gần gũi, thân thương là vậy, lại được chứng kiến cuộc đua hào hứng của những tay chèo khỏe khoắn, quyết tâm, còn gì thú vị hơn.” - Anh Vinh chia sẻ.

Đặc thù địa hình núi non chia cắt, hình thành nên sông Đăk Bla, Sê San, Pô Kô, Đăk S’Nghé...chảy qua địa bàn tỉnh Kon Tum. Từ xa xưa,chèo thuyền độc mộc đã là hoạt động thường ngày trong đời sống sản xuất, sinh hoạt của cư dân vùng ven sông. Gắn với cuộc sống dựa vào thiên nhiên của đồng bào, thuyền độc mộc được làm thủ công từ những cây gỗ lớn, tuổi thọ dài. Đưa người, nông cụ, phương tiện sản xuất qua lại đôi bờ để  trồng tỉa, đồng thời  vận chuyển lúa, bắp, củ mì về nhà, thuyền độc mộc như người bạn đồng hành thân thiết của mọi người. Quy mô, tầm vóc thuyền độc mộc cũng là thước đo gia thế, sự giàu có, vững chãi của mỗi gia đình.

Không chỉ là phương tiện gắn liền với đời sống lao động, sản xuất, sự hình thành và phát triển của thuyền độc mộc còn chứa đựng nét đẹp văn hóa dân tộc và gắn với tâm linh của cư dân ít người sống ven sông. Ngày xưa, sau vụ thu hoạch no ấm, những cuộc đua thuyền nho nhỏ nhưng tưng bừng, vui nhộn lại được các thôn, làng tổ chức, cũng là để mừng lúa mới, đón năm mới. Ở đấy, các chàng trai có dịp đua tài, thể hiện; xem ai khỏe mạnh, sức vóc dẻo dai, khéo léo điều khiển con thuyền vượt qua sóng nước hơn ai.

Theo ông Võ Tấn Long- Nguyên Giám đốc Sở Thể dục thể thao tỉnh, từ thực tế sản xuất, sinh hoạt mang đậm dấu ấn của đồng bào các dân tộc thiểu số ven sông tỉnh Kon Tum, ngành thể thao tỉnh đã tổ chức giải đua thuyền độc mộc và xác định là hoạt động thể thao truyền thống hàng năm vào đầu xuân mới, xem đây là nét văn hóa - thể thao đặc trưng của mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên. Giải thường niên cũng nhằm khai thác, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hôm nay. Đáng mừng, là từ giải đua đầu tiên đến nay, trải qua gần 20 năm duy trì, lễ hội đua thuyền độc mộc mừng Đảng mừng Xuân hàng năm đã chứng tỏ sức xuân, ngày càng thu hút đông người đến xem, cổ vũ” - ông Long phấn khởi.

Những năm đầu được tổ chức, giải đua thuyền độc mộc truyền thống trên sông Đăk Bla của tỉnh Kon Tum được tổ chức định kỳ vào dịp  đón năm mới hàng năm trong khoảng thời gian từ mùng 4 đến mùng 6 tết, những năm gần đây, thường vào mồng 4 tết. Trung bình, mỗi năm, thu hút 35-40 thuyền đua và 80-90 vận động viên tham gia; Hội đua diễn ra sôi nổi, tưng bừng với tinh thần quyết tâm của các tay đua và sự cổ vũ nhiệt tình của người xem. Hội đua cũng không tránh khỏi phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, thời tiết, có năm mưa ít, mùa mưa kết thúc sớm, mực nước dòng Đăk Bla thấp, những khi gió to, nắng gắt… đặt ra thử thách không nhỏ đối với những tay chèo trẻ trai sức vóc; những lần như thế, không khí hội đua càng kịch tính, hào hứng, hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

Trong lễ hội đua thuyền độc mộc mừng xuân Đinh Dậu 2017, chàng trai A Lưới ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy không nhớ rõ đã bao lần giành giải nhất cự ly 100m cá nhân. A Lưới tâm sự: Chèo thuyền qua sông đi rẫy, đi rừng thì bình thường rồi, mạnh yếu không quan trọng; nhưng để đua thuyền với anh em, tham gia hội đua để mọi người cùng vui, mình đâu chỉ cần có sức khỏe, mà phải tập luyện để chèo nhanh chèo giỏi. Có sức mà không biết cách bơi chèo, điều khiển con thuyền, cũng mất nhiều thời gian mới đưa thuyền về đích.       

Lễ hội đua thuyền độc mộc truyền thống mừng Đảng mừng xuân của tỉnh Kon Tum không chỉ thu hút sự tham gia cổ vũ của đông đảo người dân địa phương, mà còn lôi cuốn nhiều du khách gần xa trong những ngày đón năm mới. Đây cũng là một trong số điểm kết nối hấp dẫn trong các tour du lịch đến với thành phố trẻ bên sông Đăk Bla trong đầu xuân.

Hiện tại, thuyền độc mộc không còn nhiều, khả năng chế tác phương tiện vận tải thủy truyền thống này ngày càng bị thu hẹp vì nguyên vật khan hiếm, việc gìn giữ những chiếc thuyền cũ được bà con đặc biệt quan tâm. Chèo thuyền giỏi, đua thuyền hay là kết quả nỗ lực học hỏi, rèn luyện, trau dồi của các bạn trẻ từ những người đi trước, tạo thành sợi dây gắn kết từ thế hệ này sang thế hệ khác, để nét đẹp đua thuyền độc mộc mãi còn in đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa cộng đồng, là niềm tự hào của các cư dân đồng bào các dân tộc thiểu số bên sông của tỉnh Kon Tum./.

Nghĩa Hà

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo