Lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên không chỉ ấn tượng với cồng chiêng, xoang, nhạc cụ dân tộc..., mà càng thêm sắc màu lôi cuốn, hấp dẫn nhờ những hình ảnh sinh động, độc đáo được hòa quyện từ hình ảnh con rối, mặt nạ, hình nộm…trong cuộc vui của cộng đồng.
Hình rối trong lễ hội của đồng bào Gia Rai xã Ia Chim |
Cùng với “linh hồn” là cồng chiêng, xoang; lễ hội của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum thường xuất hiện những con rối, mặt nạ, hình nộm hay hình hóa trang; mang nét đặc trưng của nghệ thuật tạo hình dân gian đặc sắc. Nét tạo hình tuy đơn sơ, giản dị, song rất gần gũi, thân thuộc; làm thành chút “gia vị” độc đáo cho “bữa tiệc” lễ hội thêm ấn tượng.
Theo nghệ nhân A Jưk, ở làng Klâu Ngol Dố (xã Ia Chim, TP Kon Tum), con rối thường được chế tác từ gỗ. Không ít nghệ nhân đẽo tượng gỗ dân gian, nhưng không phải ai cũng có thể làm được hình rối, vì nó đòi hỏi sự tinh tế, kỹ càng và nhất là sự nhẫn nại, chịu khó.
Hình rối được chế tác thường là đàn ông, đàn bà, các con vật, hay là một số hoạt động thường ngày của con người, biểu thị sự hồn nhiên, phóng khoáng trong tâm hồn con người và mong ước về cuộc sống nhẹ nhàng,vui tươi. Vì vậy, rối thường dẫn đầu đoàn chiêng trống trong lễ hội.
Cũng như con rối, mặt nạ, hình nộm, hình hóa trang… được làm từ những nguyên, vật liệu đơn sơ, dễ kiếm như tre nứa, tranh, lá chuối…, thêm chút màu nhuộm ( đen, đỏ, xanh…). Trong lễ hội, mặt nạ, hình nộm, hình hóa trang vừa đem đến sắc màu “ bắt mắt”, vừa mang nét biểu cảm, thể hiện sự sinh động, hòa quyện với cồng chiêng, xoang; góp phần tạo nên sự lôi cuốn, thu hút của không khí ngày hội.
Nghệ nhân A Hùng với những chiếc mặt nạ được chế tác |
Nghệ nhân A Hùng ở làng Kon Ktu (xã ĐăkRơWa, thành phố Kon Tum) cho hay: Mặt nạ thường được làm từ những khúc cây to, gỗ mềm, nhẹ như cây gòn, gỗ sữa... Sau khi hình mặt ngoài được phác thảo, khúc gỗ được đục vào bên trong. Mặt nạ khá đa dạng với các sắc thái khác nhau, thể hiện rõ nét qua chủ yếu con mắt và cái miệng. Cũng có khi, mặt nạ được đẽo hình méo mó, kỳ dị... mang tính ước lệ, vui nhộn. Ngoài hình “thô” bằng gỗ, mặt nạ cũng được bôi màu lên cho thêm phần “bắt mắt”, theo truyền thống chủ yếu là đen, trắng; đa dạng hơn cũng có khi tô thêm màu đỏ, xanh, vàng...
Mặt nạ chế tác từ gỗ rất bền, có thể sử dụng lâu ngày. Tuy vậy, sau này, mặt nạ còn được làm bằng bìa giấy, mảnh nhựa, miếng nhôm. Cũng có khi, nó đơn giản chỉ là vẽ trực tiếp lên mặt.
Cũng như con rối, mặt nạ hay hình hóa trang, hình nộm... trong lễ hội thường được các bạn trẻ, các em nhỏ mang vác, điều khiển; vì phù hợp với sự hồn nhiên, tươi trẻ, pha chút nghịch ngợm của các em.
Hình nộm, mặt nạ trong Lễ hội của đồng bào Ba Na |
Trong các lễ hội lớn của người Ba Na, Xê Đăng, Giẻ Triêng, Gia Rai…con rối, mặt nạ, hình nộm…thường xuất hiện và được gắn kết với nhau, làm nên không gian văn hóa truyền thống sinh động.Người đeo mặt nạ nhiều khi còn được khoác vào những bộ áo thụng bằng lá tranh, cành cọ, hay lá chuối, cành cây... Hình ảnh dân dã này gợi nhớ cội nguồn của những bộ trang phục làm bằng vỏ cây từ thuở xa xưa.
Cho dù cuộc sống hôm nay có nhiều đổi thay, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum vẫn được duy trì, tái hiện. Cùng với cồng chiêng-xoang, biểu hiện sinh động của các loại hình nghệ thuật dân gian và dân dã thông qua con rối, mặt nạ, hóa trang...đã góp phần đem đến sắc màu lễ hội thêm đẹp thêm hay, thêm cuốn hút. Tùy vào quy mô lớn, nhỏ của các lễ hội, nét đẹp đơn sơ này vẫn được gìn giữ và lưu truyền../.
Nghĩa Hà