Vẫn những ngôi nhà lợp ngói âm dương có tuổi đời hơn nửa thế kỷ nằm lặng mình dưới những bóng cây. Những con đường gập ghềnh đá xanh như con đường làng tự bao đời vẫn thế. Chính vì những nét đáng yêu ấy mà nhiều người cứ thích gọi Kon Tum bằng cái tên nghe thật ngọt ngào, duyên dáng và rất thơ: phố đồng bằng giữa núi!
PHỐ ĐỒNG BẰNG GIỮA NÚI
Bao nhiêu đời nay, qua nhiều biến cố của dòng chảy thời gian, Kon Tum vẫn thế. Lặng lẽ, hiền hòa, bình yên. Lần đầu tiên đến với Kon Tum khó mà tin ở giữa thung lũng được bao quanh những ngọn núi của dãy Đông Trường Sơn lại có một thành phố đẹp đến thế!
Một góc phố Kon Tum |
Kon Tum, tiếng Banar có nghĩa là “làng hồ” mới xuất hiện khoảng đầu thế kỷ 19. Còn trước đó, ngay vùng đất của thành phố Kon Tum hôm nay là một làng người Banar có tên là Kon Trang Or giàu có, quyền lực. Có câu chuyện của người Banar kể rằng, ngày ấy để phát triển ranh giới làng mình ngày một rộng hơn nữa, các già làng Kon Trang Or thường chủ động gây chiến. Nhưng có hai chàng trai tên là J'Rông và Uông không thích đánh nhau, bỏ làng, tìm đến vùng đất gần sông Đak Bla để lập làng mới. Đất tốt, lại gần sông nên sau đó có nhiều người kéo đến lập nghiệp, lập nên làng mới có tên là Kon Tum.
Nắng sớm trên dòng Đăk Bla |
Với diện tích 10.000km2, khoảng 400.000 dân, Kon Tum là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: Kinh, Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, B'Râu, H'Re, R'Măm... Một điều thật lạ mà đến bây giờ vẫn chưa có lời giải thỏa đáng về lịch sử vùng đất này: dù nằm trong địa hình hiểm trở, xa xôi với đồng bằng miền Trung nhưng Kon Tum là nơi người Kinh lập nghiệp và có quan hệ với các sắc dân bản địa lâu đời nhất trong tất cả các vùng đất của Tây Nguyên. Theo những tài liệu chính thức tin cậy, năm 1885, vua Đồng Khánh (triều Nguyễn) ra chỉ dụ thành lập đạo Kon Tum và cử Tôn Thất Toại làm quản đạo. Và cũng trong năm này, quản đạo Tôn Thất Toại lập ra làng Trung Lương chiêu mộ dân từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi... lập nghiệp. Năm 1886 làng công giáo Tân Hương được thành lập. Trong khi đó, mãi tới năm 1921 làng Lạc Giao (thành phố Buôn Ma Thuột, Đak Lak) mới được thành lập, đánh dấu sự xuất hiện của người Việt tại đây. Thật ra, trong một số tài liệu (chưa được công bố), từ đầu thế kỷ 18, người Kinh đã biết đến Kon Tum và có quan hệ giao thương. Khi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ khởi binh ở Tây Sơn, ông đã cho người liên lạc với các bộ tộc người Banar ở Kon Tum (vốn có quan hệ huyết thống với người Banar ở An Khê (Tây Sơn thượng đạo) kéo quân về xuôi...
Bến thuyền độc mộc làng Kon Ktu |
Cái vốn quý từ bao đời nay của Kon Tum vẫn là những di tích cổ xưa. Từ cầu Đak Bla xuôi ngược dòng Đak Bla về hướng tây khoảng 1km là tới ngục Kon Tum (được xây dựng năm 1905 - nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với cuộc đấu tranh lưu huyết nổi tiếng vào ngày 12-12-1931) giờ đây chỉ còn hai ngôi mộ tập thể, đã được xếp hạng di tích lịch sử. Đi thêm độ 1km nữa là tới ngôi nhà rông Kon R'Bàng đã gần 90 năm tuổi (được xây dựng đầu tiên vào năm 1924) vẫn còn sừng sững như thách thức với thời gian. Kon Tum còn tự hào là nơi có nhiều ngôi nhà thờ cổ đã có cả trăm năm tuổi như nhà thờ Gỗ, Đại chủng viện, nhà thờ Tân Hương... Đã đến với Kon Tum không thể không đến thăm chiếc cầu treo Kon K'Lor với ngôi nhà rông được xem là ngôi nhà rông lớn nhất nước ta hiện nay và cũng là nơi tập trung nhiều dân tộc khác nhau sinh sống, nên khoảng từ tháng 11 cho đến tháng 3 năm sau, Kon Tum là nơi hội tụ nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của Tây Nguyên. Đây cũng là thời điểm các dân tộc ở Kon Tum tổ chức lễ mừng lúa mới sau khi lúa đã vào chồ (như kho đựng lúa của người Kinh). Rượu cần ủ đã chín, thơm phưng phức. Nếp ống nướng mùi ngai ngái của núi rừng nhưng đã lỡ ăn một lần thì lần sau gặp lại khó mà nhịn được. Chiêng cồng cứ “bing boong... bing boong” mời gọi suốt ngày đêm trong ánh lửa bập bùng của đêm đông lạnh buốt...
DÒNG SÔNG CHẢY NGƯỢC VỀ TÂY...
Hoàng hôn trên cầu ĐăkBLa |
Ai đã một lần đến với Kon Tum, vào buổi chiều tà, đứng trên cầu Đak Bla, nhìn dòng sông lững lờ trôi đều có cảm giác: hình như nó chảy ngược về tây! Nghe qua thấy lạ... Với người Banar ở Kon Tum, dòng sông Đak Bla như là “ông mặt trời, ông mặt trăng”. Hợp thành từ 3 con suối lớn: Đak Sút, Đak Nghé và Đak Tre, Đak Bla khởi nguồn từ dãy núi Kon Plong. Khi mùa mưa đến, Đak Bla được chia thành 2 màu nước rõ rệt: bờ bắc nước đỏ ngầu hung hãn như nuốt chửng mọi vật, trong khi đó phía bờ nam nước vẫn xanh. Từ nét đặc trưng ấy mà người Banar đã gọi nó là Đak Bla (theo tiếng Banar, Đak là nước, Bla là hung dữ), bên lở hướng bắc, bên bồi hướng nam mỗi ngày một rộng hơn chở che trong lòng cái thành phố nhỏ bé rồi chảy ngược về phía mặt trời lặn hòa vào dòng Sê San xuôi về biển Đông qua ngả Campuchia...
Tên gọi của dòng Đak Bla còn ẩn chứa một câu chuyện. Ngày xưa, dòng sông chưa có tên như bây giờ, tên gọi Đak Bla được xuất phát từ những cuộc chiến giữa các bộ tộc tranh giành quyền lực trong nội bộ người Banar và cả những cuộc chiến giữa người Banar bên bờ bắc với các sắc dân khác từ bờ nam để tranh giành đất đai. Sau những cuộc chiến, máu của những chiến binh đã nhuộm đỏ dòng sông nên nó được gọi là Đak Bla (Bla còn có nét nghĩa là máu nên có tên gọi khác là dòng sông máu). Dù không được công nhận trong các tài liệu lịch sử chính thống nhưng nhiều già làng đã kể về dòng sông này như thế.
Bờ kè sông ĐăkBLa |
Cũng trên dòng sông này, khi chuẩn bị vòng cua ôm lấy thành phố Kon Tum, có một địa danh gọi là Đak R'Wa (tiếng Banar có nghĩa là quay về) gắn liền với thiên tình sử của người Banar ở Kon Tum. Chuyện kể rằng, có một chàng trai Banar tên là J'Lưng sống bên bờ bắc, còn bờ nam có một cô gái xinh đẹp tên là B'Rai, con của tù trưởng bộ tộc Lào sống ở làng Weh (hiện nay tại xã Ia Chiêm vẫn còn tên gọi cánh đồng Lào là nơi người Lào khai hoang trồng lúa). Trong một đêm trăng thanh gió mát, J'Lưng qua bờ nam chơi, gặp B'Rai. Hai người đem lòng yêu nhau tha thiết. Nhưng mặc cảm trước gia đình B'Rai giàu có, J'Lưng không thể nào cưới B'Rai làm vợ. Một ngày nọ, B’Rai cố gắng thuyết phục J'Lưng về “làm chồng” nhưng chàng trai này đã thề rằng không bao giờ trở qua làng Weh nữa. Đi mãi, đến khúc quanh của dòng sông Đak Bla (nơi đây bây giờ có cầu treo nổi tiếng Kon K'Lor), nàng B'Rai đành phải quay về nhà. Sau đó ít lâu, J'Lưng tương tư mà chết. Như để kỷ niệm mối tình ngang trái và cảm động này, người Banar đã đặt tên nơi B'Rai dừng lại và quay về là Đak R'Wa. Những huyền thoại bi hùng của Đak Bla vẫn còn nhiều lắm, nếu kể “phải mấy lần ông mặt trời đi ngủ” mới hết.
Dòng sông Đak Bla che chở, bao bọc Kon Tum từ bao đời nay đã tạo nên nét duyên dáng, hiền hòa như một phố cổ ở đồng bằng mà nhiều người khách lạ khi lần đầu tiên đến mảnh đất này đã gọi là “phố đồng bằng giữa núi”. Mùa mưa dòng sông này hung dữ là thế nhưng khi mùa khô về, Đak Bla lặng lẽ chảy về tây, hai bên là những xóm, những buôn làng xanh mướt một màu xanh của cây trái. Nói là chảy về tây khi đứng trên cầu Đak Bla nhìn xuôi dòng nhưng thật ra sau khi uốn mình lượn quanh thành phố Kon Tum, dòng sông Đak Bla hợp với dòng Đak Pôkô (thường gọi là Pô Kô) để tiếp tục tạo thành hai dòng sông mang tên khác: dòng Sê San - nơi có nhà máy thủy điện Ya Ly và dòng Sê R'Pôk chảy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia.
Bài, ảnh : Minh Thư
Và ảnh của một số tác giả khác