Giai điệu nứa tre rừng Kon Plông

Tập trung 80% đồng bào dân tộc thiểu số mà chủ yếu là đồng bào dân tộc Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm, Ka Dong và dân tộc H’Rê sinh sống, Kon Plông được biết đến không chỉ với những nét đẹp văn hóa truyền thống mà tiêu biểu là cồng chiêng-xoang, dân ca…mà còn để lại dấu ấn các loại nhạc cụ truyền thống bình dị nhưng không kém phần độc đáo. Theo thời gian, giai điệu của tre nứa dân dã vẫn được giữ gìn và lan tỏa, nhờ sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân.

Xã vùng sâu đặc biệt khó khăn Măng Bút không chỉ nổi tiếng với nghề rèn thủ công mà còn được biết đến là chiếc nôi âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc Xơ Đăng vùng Đông Trường Sơn. Ngày trước, cuộc sống sản xuất, sinh hoạt gắn với núi rừng, nương rẫy của các cư dân xưa kéo theo sự xuất hiện các nhạc cụ tự tạo từ tre nứa. Độc đáo nhất là đàn T’rưng nước.

Đàn T’rưng nước được làm nên để tạo ra tiếng động nơi rẫy nương hẻo lánh, vắng hoang nhằm đuổi muông thú tới ăn cắn, phá hoại lúa mùa.Vì vậy, T’rưng nước thường được dựng làm vào tháng 8 tháng 9 hàng năm, khi lúa rẫy bắt đầu làm đòng, trổ bông; đến lúc kết hạt, chuẩn bị thu hoạch.

A Kiên là người trẻ duy nhất ở làng Măng Bút, xã Măng Bút và huyện Kon Plông còn chế tác và sử dụng T’rưng nước. Học hỏi từ cha - một trong số nghệ nhân nổi tiếng làm T’rưng nước trong vùng, A Kiên đã chịu khó tìm tòi, sáng tạo thêm để dựng lại dàn T’rưng nước truyền thống.

Cũng như các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đồng bào Xơ Đăng vùng Đông Trường Sơn phổ biến dùng cồng chiêng trong hội làng, lễ lớn của cộng đồng, gia đình.Tuy vậy, nét độc đáo rất riêng là diễn tấu cồng chiêng của người Xơ Đăng nhánh Mơ Nâm thường có tà vẩu đi cùng.

Sáo Tà vẩu
Sáo Tà vẩu

Nghệ nhân ưu tú A Lễ- người giỏi chế tác và sử dụng tà vẩu ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành cho hay: Tà vẩu, hay “kvo” theo tiếng địa phương, là một loại sáo nhỏ, ngắn; được làm từ ống nứa già, dài chừng15cm. Hai đầu ống nứa rỗng, nhưng một đầu được bịt  lại bằng sáp ong, chỉ để hở một khe rất nhỏ.Giữa thân Tà vẩu, cũng có 1 khe hình chữ nhật được đục ra; bên trong, gắn vào thanh nứa mỏng. Đó là “lưỡi” Tà vẩu.“Cồng chiêng mà không có tà vẩu thì như ăn cơm mà thiếu muối, thiếu ớt...”- Nghệ nhân A Lễ cảm nhận.

Cùng với những sáng tạo riêng biệt, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số Bắc Tây Nguyên chính là cơ sở để đồng bào Xơ Đăng, H’rê vùng Đông Trường Sơn chế tác và sử dụng các nhạc cụ bằng nứa tre, như Klông pút, T’rưng, Ting ning…Đáng chú ý, đàn Ting ning, có nơi còn gọi là đàn prâng rất được bà con yêu thích.

Ting ning (hay prâng) hình dáng thanh mảnh, đẹp. Thân đàn làm bằng ống nứa to, thẳng. Trên đó gắn những chiếc cần đàn bằng gỗ tốt, để nối với những sợi dây đàn. Dưới thân đàn là chiếc bầu khô đặc trưng. Cũng như đồng bào Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Ting ning của người Mơ Nâm được mệnh danh là “đàn tình yêu”, bởi chàng trai mượn tiếng đàn để tỏ tình, dùng tiếng đàn để tỏ bày cảm xúc.

Đàn Ting ning
Đàn Ting ning

Cùng chất liệu và cách cấu tạo, song số lượng cần đàn, dây đàn Ting ning (prâng) không giống nhau, mà tùy vào cách chế tác của nghệ nhân. Chẳng hạn, nghệ nhân A Vùng, ở xã Đăk Tăng làm Ting ning 11 dây, 11 cần đàn; trong khi nghệ nhân A Uê ở làng Kon Ke, Đăk Long lại chỉ làm 9 cần, 9 dây đã hoàn chỉnh. Ting ning thường được dùng đệm cho giọng hát dân ca, hay là độc tấu những khúc dân ca và cả độc tấu ngẫu hứng.

Đàn Klót ở Đăk Ring
Đàn Klót ở Đăk Ring

 “Cùng họ” với Ting ning (prâng), đồng bào Xơ Đăng nhánh Ka Dong ở xã Đăk Ring còn có chiếc đàn Klót. Cũng làm bằng lồ ô và trái bầu khô, nhưng Klót chỉ gồm 3 dây, cần đàn nhỏ chứ không lớn như Ting ning. Quả bầu được chọn làm bầu đàn là những quả bầu to, già, vỏ cứng nhưng không dễ gì vỡ, gãy. Đặc biệt, trên cần đàn có 5 “nút” được “đánh dấu” ở từng vị trí cụ thể và gần nhau, tương ứng với 5 nốt nhạc. Bấm vào từng nốt, kết hợp với gảy trên dây đàn, tạo thành điệu nhạc. Tiếng Klót nhỏ hơn ting ning, chỉ “thủ thỉ” chứ không vang ngân. Tuy khiêm nhường, nhưng tiếng Klót cũng không ngại góp vui cho dân làng trong lễ hội, giao lưu văn nghệ.

Đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế trong chế tác, từ trước đến nay, đàn ông vùng Đông Trường Sơn thuộc huyện Kon Plông vẫn là tác giả chính của các nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa. Phụ nữ không tham gia vào công việc này, cũng chưa làm quen với diễn xướng nhạc cụ truyền thống.

Kon Plông nổi tiếng với Khu Du lịch sinh thái Quốc gia Măng Đen, ngày càng trở nên quen thuộc với nhiều người trên “Con đường xanh Tây Nguyên” hấp dẫn và hành trình khám phá mảnh đất Bắc Tây Nguyên cuốn hút. Dù không còn phổ biến trong sinh hoạt và đời sống hàng ngày như trước đây, song giai điệu nứa tre rừng Kon Plông vẫn được giữ gìn, hòa quyện cùng nỗ lực thu hút du khách. Gắn kết phát triển du lịch ở vùng sinh thái đặc thù  này với bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc anh em cho mai sau là hướng đi đã được định hình./.           

Nghĩa Hà

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn
Liên hệ quảng cáo