Mỗi khi có dịp về Kontum tôi đều dành thời gian tìm đến quán café Eva. Không chỉ vì Eva café đã quá nổi tiếng, có tên trong nhiều trang web hướng dẫn du lịch trong và ngoài nước, được bầu chọn một trong 10 quán café độc đáo của Việt Nam; được không biết bao nhiêu báo tờ, báo mạng nhắc tới như một điểm đến không được phép quên khi đặt chân tới Kontum- mà còn vì ở đó tôi có cô chủ quán Ngọc Cẩm (gọi là cô cho nó tre trẻ tí, chứ chúng tôi đều U50 cả rồi…ái zà !)- vốn là “ cô bạn ngày xưa học chung …mấy lớp ”. Để rồi từ Eva Café bạn bè chúng tôi tụ tập lại, bù khú với bao kỷ niệm học trò…
Nhiều năm rồi Eva Café hầu như không thay đổi, vẫn phong cách bài trí mang đậm chất văn hoá dân tộc Bana với một chút không khí núi rừng hoang sơ thu nhỏ, tiếng nước chảy róc rách, tiếng đàn tơrưng âm vang, tiếng chim hót líu lo, những bản tình ca lắng đọng của Trịnh Công Sơn hay những bản hòa tấu cổ điển buồn man mác. Một gian bếp Bana lúc nào cũng giữ lửa, những vật dụng sinh hoạt hàng ngày và lễ hội, bộ sưu tập tượng nhà mồ phong phú đủ mọi sắc thái hỉ nộ ái ố, những di vật chiến tranh như trái bom, mũ sắt, mãnh đạn pháo…, được bàn tay họa sĩ tài hoa của anh Ẩn chủ quán sắp xếp, tạo hình thành những tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng, hài hòa trong một không gian xanh trầm mặc. Nhiều lúc quán khá đông khách nhưng không khí không ồn ào mà vẫn giữ được nét tĩnh lặng, trầm tư- đủ để người lữ khách xa quê bao năm như tôi thả hồn miên man vào ngày tháng xa xưa dại khờ…
Thực ra thì đến Eva Café tôi không bao giờ phải một mình ngồi lâu, vì có anh Ẩn và Cẩm nhiệt tình tiếp chuyện. Anh Ẩn vẫn cháy bỏng đam mê với việc sưu tập, bảo tồn và quãng bá văn hóa các dân tộc Tây nguyên theo hướng kết hợp đầu tư mở rộng Eva Café, nhưng xem ra có vẻ …lực bất tòng tâm. Cứ như Cẩm “càm ràm” thì con cái mỗi ngày mỗi lớn, nhu cầu chi tiêu, thuế má ngày càng tăng…, trước đây từng đưa cho “ảnh” mấy trăm triệu để “ảnh” thiết kế sửa sang lại quán, rồi có thu lại được gì đâu. Bây giờ mà không giử chặt đưa hết cho “ảnh” có mà đói. Anh Ẩn chỉ cười trừ. Tôi kê cho một câu: “ Thôi mà Eva, nãy giờ thấy hết khách ta chụp hình đám cưới tới khách tây đi ra đi vào, rên vừa thôi.”. Nói xong mới biết mình… bé cái nhầm. Cẩm lừ mắt: “ Hồi giờ Cẩm có bao giờ lấy tiền chụp hình đám cưới ai đâu? Còn khách tây, khách ta gì cũng như nhau, ai lại đi chặt chém họ …”. Đúng đó Nh à – Anh Ẩn hồn hậu nói thêm: Kontum mình còn nghèo, người ta có đến thăm mình mới có dịp giới thiệu văn hóa, con người Tây nguyên… Người ta biết và nhớ đến mình là vui lắm rồi, đồng ý không?
Rồi anh đau đáu tâm sự về nỗi buồn của một người sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Tây nguyên giàu bản sắc văn hóa nhưng hàng ngày phải chứng kiến sự mai một, mất mát dần của nền văn hóa không gì bù đắp nổi. Cồng chiêng, tượng nhà mồ, ché rượu, đồ dùng sinh hoạt cổ quý giá bị bán chát gần hết. Ngày càng khó tìm được những thanh niên người dân tộc biết tạc tượng nhà mồ, biết đánh cồng chiêng, biết đan gùi (*), dệt thổ cẩm… Tượng nhà mồ thì nhiều nghệ nhân người Kinh cũng tạc để bán, nhưng không bao giờ có được cái hồn, cái chất thô ráp, hoang dã núi rừng như những nghệ nhân dân gian người dân tộc tạc bằng rìu, bằng rựa. Ngay Eva Café của anh bây giờ cũng kén khách, lớp trẻ Kontum hễ có khách phương xa thì đưa tới giới thiệu cho biết Eva Café, còn hàng ngày đi uống café nghe nhạc chổ khác “phê” hơn, “modern” hơn…
Tôi chỉ biết chia sẽ với anh bằng sự im lặng đồng cảm. Thôi thì cứ lẳng lặng mà làm, một chút nhỏ nhoi góp nhặt cho đời có còn hơn không. Cuộc sống vốn muôn màu muôn vẻ, bụt chùa nhà không thiêng là vậy. Không hẳn là nghịch lý khi hàng ngày ta vẫn hít thở không khí để sống nhưng không coi nó là quý giá, vì nó luôn hiện hữu quanh ta. Tôi tin trong góc khuất của mỗi người Kontum vẫn tự hào về một Eva café, như câu nói cứ lặp đi lặp lại đâu đó: đến Kontum mà chưa ghé Eva café coi như chưa biết KonTum!
Một số hình ảnh của EVA CAFE KON TUM